VẬN ĐỘNG HÀNH LANG: CẦU NỐI QUYỀN LỰC VÀ LỢI ÍCH XÃ HỘI

Vận động hành lang đã trở thành một công cụ quan trọng trong quá trình lập pháp và hoạch định chính sách trên toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau hoạt động này là những bài toán phức tạp về đạo đức, minh bạch và quản lý. Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến nhiều hạn chế và rủi ro.

Vận động hành lang là gì?

Vận động hành lang xuất hiện lần đầu tại Anh, gắn liền với những cuộc trao đổi tại hành lang Nghị viện. Người dân và các nhóm lợi ích sử dụng không gian này để bày tỏ nguyện vọng và áp lực lên các chính sách. Vận động hành lang (“lobbying”) là hoạt động nhằm tác động đến cơ quan lập pháp hoặc chính phủ để thông qua các quyết định, chính sách theo hướng mang lợi ích cho cá nhân, tổ chức hoặc xã hội. Hoạt động này không chỉ giới hạn trong việc đòi hỏi quyền lợi mà còn là cách thức để các nhóm xã hội gửi gắm ý kiến, góp phần hoàn thiện chính sách quốc gia.

Tại Mỹ, hoạt động này trở thành một ngành công nghiệp triệu đô, với những công ty chuyên vận động hành lang đầu tư lớn nhằm đạt được các hợp đồng béo bở từ chính phủ. Các tập đoàn như Halliburton đã chi hàng trăm triệu USD để đảm bảo đối tác chính phủ sẽ ra quyết định có lợi cho họ.

Lợi ích và những góc khuất

Vận động hành lang, nếu diễn ra minh bạch, giúp chính phủ hiểu rõ hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp, nhờ đó đề ra chính sách phù hợp. Tuy nhiên, khi không được kiểm soát, hoạt động này dễ trở thành “đường dây quyền lực”, đem lại lợi ích cho các nhóm có tài chính mạnh, gây hại đến các tầng lớp yếu thế. Đặc biệt, trong môi trường chưa có khung pháp lý rõ ràng, vận động hành lang dễ bị biến tướng thành hành vi “chạy dự án”, “đi đêm” như tại một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhân danh “trung gian”, nhiều cá nhân lợi dụng hoạt động này để tăng lợi nhậu cho riêng họ, thay vì tạo ra giá trị thực tế.

Tại các quốc gia phát triển, vận động hành lang được coi là một nghề chính thức, hoạt động trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Hoa Kỳ đã ban hành Luật Công khai hóa Vận động hành lang (Lobbying Disclosure Act, 1995) buộc các nhà vận động hành lang phải đăng ký, báo cáo đầy đủ hoạt động và nguồn tài chính. Những quy định này giúp hạn chế nguy cơ thâu tóm chính trị, tránh tình trạng nhóm lợi ích lộng hành. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi những nhóm yếu thế, thiếu nguồn lực tài chính, không thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn.

Vận động hành lang tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Tại Việt Nam, vận động hành lang là một hoạt động khách quan và đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Những phản biện từ các hiệp hội chuyên môn, đối thoại với chính phủ về các chính sách kinh tế, dự án lớn… là những biểu hiện rõ ràng nhất.
Tuy nhiên, để vận động hành lang đi vào quy cách, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý minh bạch, kiểm soát hoạt động này và bảo đảm các nguyên tắc công khai, trung thực, vì lợi ích chung của xã hội.
Vận động hành lang là con dao hai lưỡi, nhưng nếu được quản lý tốt, nó có thể trở thành công cụ hữu ích giúp hoàn thiện chính sách và phát triển đất nước.
Nguồn: TS. Trịnh Thị Xuyến – Viện Chính trị học, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Hãy Theo dõi Elite PR School để cập nhật các thông tin và kiến thức về truyền thông, thương hiệu các bạn nhé!