Trong thế giới số hóa nhanh chóng hiện nay, việc bảo vệ thương hiệu đang trở nên phức tạp và thiết yếu, nhất là khi sự phát triển của Metaverse ngày càng trở nên vượt trội. Meta trở thành một “đấu trường” mới với loạt sự tiến bộ từ các công nghệ như thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI)…., nơi mà các doanh nghiệp cần có kế hoạch thiết lập và bảo vệ nhận diện thương hiệu của mình để có thể trở nên nổi bật hơn trong mắt công chúng. Vậy metaverse là gì và làm sao các thương hiệu có thể được bảo hộ trong thế giới số?
1. Về metaverse
Metaverse là một không gian 3D ảo, được hỗ trợ bởi các công nghệ như VR, thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain. Trong thế giới đa chiều metaverse, mọi người có thể tương tác với nhau và tham gia vào các hoạt động như chơi game, mua sắm và xử lý công việc. Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook (nay là Meta), bày tỏ mong muốn rằng thế giới Metaverse của mình tại Meta sẽ được người dùng sử dụng như một “cuộc sống thứ hai”, song song với thế giới thực.
2. Tiếp thị trong metaverse
Các thương hiệu nói chung, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nói riêng coi Metaverse như một mảnh đất “màu mỡ” trong việc đẩy mạnh danh tiếng thương hiệu. Các tập đoàn lớn có thể kể đến như Nike, McDonald’s đã và đang tận dụng tiềm năng tiếp thị từ Metaverse. Chẳng hạn, McDonald Hồng Kông gần đây đã tạo ra “McNuggets Land” trên nền tảng Metaverse và đưa đến một không gian giả tưởng về chuyến tham quan nhằm tìm hiểu về món ăn này.
Các sản phẩm trên tồn tại trong Metaverse đều là các sản phẩm ảo và được đại diện thông qua NFT. NFT là mã token không thể thay thế, không thể giả mạo và là tài sản số đại diện cho các đối tượng, sản phẩm thực từ thế giới thực. Định danh kỹ thuật số này được ghi lại trên blockchain và được sử dụng để xác thực quyền sở hữu tài sản số. Với McDonald’s, thương hiệu đã tận dụng không gian này để bán nuggets cho người tiêu dùng dưới dạng NFT.
3. Bảo vệ thương hiệu trong metaverse
Để bảo vệ nhãn hiệu trong Liên minh Châu u (EU), cần phải đăng ký nhãn hiệu với Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu u (EUIPO). Điều này cung cấp cho thương hiệu quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu trong EU. Trong việc bảo vệ tài sản hoặc thực thi quyền chống lại các đại diện có sản phẩm tương đồng hoặc giống hệt sản phẩm của họ trong metaverse, các thương hiệu không thể chỉ dựa vào nhãn hiệu đã đăng ký hiện có ở thế giới thực. Do vậy, một số công ty lớn đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mới nhằm thích ứng với môi trường kỹ thuật số này.
Nhằm thiết lập nhận dạng thương hiệu trong Metaverse, các công ty có thể đăng ký theo nhóm liên quan đến hàng hóa và dịch vụ ảo – nhóm thường được sử dụng để bảo vệ nhãn hiệu trong metaverse, sau đó nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên EUIPO. Bằng cách này, các công ty có thể chuẩn bị và thích ứng với tương lai mà metaverse mang lại, đảm bảo rằng thương hiệu của họ không bị xâm phạm bản quyền hoặc sử dụng trái phép trong môi trường mới.
Tuy vậy, không gian số là một môi trường “ảo” và không đảm bảo rằng yêu cầu đăng ký này sẽ được chấp nhận ngay. Quá trình này cũng có thể gặp phải các trở ngại hoặc tranh chấp pháp lý, cũng như phát sinh những vấn đề bên ngoài các điều luật hiện đang áp dụng với Metaverse.