PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH LÀ GÌ?
Phỏng vấn truyền hình là cuộc phỏng vấn vận dụng những thế mạnh, những đặc thù của ngôn ngữ truyền hình, được sản xuất theo phương thức sáng tạo của báo chí truyền hình. Nói một cách khác, phỏng vấn truyền hình, ngoài những đặc điểm của phỏng vấn báo chí nói chung, lại có những đặc thù và thế mạnh riêng, mà chỉ khi phát huy hết những ưu điểm đó, người làm báo truyền hình mới có được một sản phẩm truyền hình đúng nghĩa. Những đặc thù đó là gì, những kỹ năng khác biệt trong sản xuất tác phẩm phỏng vấn truyền hình ra sao, đó là những điều cần được lưu ý.
Phỏng vấn truyền hình là cuộc trò chuyện “nguyên chất”. Phỏng vấn trên truyền hình là một cuộc trò chuyện được ghi lại đầy đủ cả về hình ảnh và âm thanh. Khả năng can thiệp bằng biên tập, cắt dán trong truyền hình cũng có thể có nhưng rất hạn chế và dễ dàng bị nhìn ra. Chính vì vậy mà phỏng vấn truyền hình có độ tin cậy cao đối với công chúng, nếu so sánh với các loại hình phỏng vấn khác.
Sự nguyên chất còn thể hiện ở chỗ, người xem truyền hình được tiếp nhận cả ngôn ngữ không lời, hay còn gọi là ngôn ngữ cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể… của nhân vật. Theo nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, thì thông tin mà con người ghi nhận được thông qua cử chỉ và biểu cảm của người khác, có tác động rất đáng kể tới kết quả của giao tiếp.
Tóm lại, nếu cuộc phỏng vấn được ghi lại trên báo in, báo mạng, hay trên sóng phát thanh, thì nó mới chỉ chuyển tải được một phần cuộc trò chuyện, vì thiếu hẳn phần ngôn ngữ không lời, dẫn đến những hạn chế về cảm nhận của khán giả. Truyền hình khắc phục được điều đó, phỏng vấn truyền hình mang đến cho khán giả sự chứng kiến, quan sát, cảm nhận cuộc trò chuyện như đang ở hiện trường. Đó là thế mạnh đồng thời cũng là khó khăn và sức ép không nhỏ đối với cả nhân vật và phóng viên tham gia cuộc phỏng vấn.
SỰ KHÁC BIỆT VÀ ĐẶC BIỆT CỦA PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH
Khi theo dõi phỏng vấn truyền hình, người xem có tầng thông tin thứ hai bên cạnh thông tin chính là cuộc trò chuyện. Đó chính là bối cảnh của cuộc phỏng vấn. Người xem không cần phải hình dung qua mô tả như trên báo in hoặc phát thanh, họ có thể trực tiếp quan sát và cảm nhận. Những gì xung quanh nhân vật, từ trang phục, các đồ dùng, không gian diễn ra cuộc phỏng vấn (có thể là không gian tự nhiên của nhân vật hoặc do sắp đặt của người phỏng vấn), đều góp phần làm người xem cảm nhận thông tin một cách phong phú và nhiều tầng lớp.
Khán giả theo dõi phỏng vấn trên truyền hình còn được xem những hình thức minh họa phong phú và hấp dẫn. Cách sử dụng minh họa trực quan thường thấy nhất của các tác phẩm phỏng vấn truyền hình, đó là sử dụng các hình ảnh chèn vào cuộc trò chuyện, giúp diễn giải rõ cho người xem nội dung đang bàn luận. Ngoài ra cũng có những cách minh họa khác làm nội dung trở nên dễ hiểu và ấn tượng hơn, ngay cả những câu hỏi cũng được làm thành những tình huống trực quan.
Những đặc điểm riêng của phỏng vấn truyền hình cũng là những ưu thế của ngôn ngữ hình ảnh, cho khán giả cảm giác chứng kiến, cho khán giả được cảm nhận và tiếp thu thông tin từ các giác quan rất quan trọng là nghe, nhìn. Sẽ rất uổng phí nếu như các phỏng vấn truyền hình chỉ tập trung vào nội dung lời nói, không chú trọng vào các yếu tố không lời trên truyền hình, bỏ qua mất sức mạnh của ngôn ngữ hình ảnh.
CÁC BƯỚC QUAN TRỌNG KHI THỰC HIỆN PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH
Thực hiện một cuộc phỏng vấn trên truyền hình cũng không nằm ngoài các kỹ năng sáng tạo một tác phẩm báo chí, với những quy trình chung từ phát hiện đề tài, khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng đề cương kịch bản, tiến hành thực hiện, cho đến biên tập hậu kỳ… cần bảo đảm chất lượng lao động nhà báo. Nhưng như đã phân tích ở trên, phỏng vấn truyền hình có những đặc điểm riêng, ngôn ngữ hình ảnh có những lợi thế riêng,
Để có được một sản phẩm phỏng vấn truyền hình đúng nghĩa, có lẽ không nên bỏ qua một số thao tác dưới đây.
Thứ nhất, cần có sự chuẩn bị về tâm lý với người trả lời. Sở dĩ phải bàn đến đặc điểm tâm lý của nhân vật tham gia phỏng vấn truyền hình, là bởi vì nếu so sánh với các loại hình báo chí khác, truyền hình có nhiều yếu tố tác động đến người tham gia hơn và dễ tạo ra sự căng thẳng tâm lý lớn hơn.
Điều tiếp theo, thật sự rất quan trọng, là cần tận dụng những đặc điểm và ưu thế của ngôn ngữ hình ảnh để thực hiện cuộc phỏng vấn truyền hình. Một cuộc phỏng vấn truyền hình không chỉ có lời nói, mọi thứ xuất hiện trên màn hình đều có giá trị nhất định.
Cuộc phỏng vấn truyền hình nên có các video hoặc hình ảnh minh họa để tăng thêm sự lôi cuốn. Hình ảnh một người nói mãi trên truyền hình khó mà duy trì lâu sự tập trung theo dõi của khán giả, nhưng khi có các hình ảnh minh họa thì câu chuyện trở nên sinh động. Mặt khác, video minh họa có thể là một cách khái quát nhanh những thông tin nền, ngắt đoạn các phỏng vấn, để người xem dễ theo dõi hơn.
Điều đáng lưu ý tiếp theo trong phỏng vấn truyền hình là kỹ năng dẫn dắt cuộc trò chuyện. Đó là một kỹ năng đóng vai trò quan trọng, toàn bộ phong thái, cách thức giao tiếp của nhà báo sẽ có tác động nhất định đến nhân vật.
Không thể không nhắc tới một thành tố quan trọng là câu hỏi. Không thể có một cuộc phỏng vấn hay nếu chỉ có những câu hỏi trung bình. Câu hỏi hay làm cuộc trò chuyện trở nên đặc sắc. Ngoài những kỹ năng đặt câu hỏi của phỏng vấn nói chung, phỏng vấn truyền hình còn có những khác biệt trong việc thực hiện câu hỏi, đó là cách biểu đạt câu hỏi vô cùng phong phú.Những biểu cảm đó quan trọng ngang với nội dung câu hỏi, nó tạo ra không khí tuyệt vời và khuyến khích câu trả lời.
Một lưu ý rất quan trọng nữa là chuẩn bị kỹ về kỹ thuật. Truyền hình là loại hình báo chí phức tạp nhất về nhân sự và thiết bị sản xuất. Tại hiện trường ghi hình, các phương tiện thiết bị kỹ thuật phải chuẩn bị đầy đủ và lắp đặt sẵn sàng. Không nên để khách phải chờ đợi và chứng kiến cảnh nhóm làm chương trình chuẩn bị máy móc, thiết bị, đạo cụ, bối cảnh, điều đó sẽ làm khách mời cảm thấy rằng thời gian của họ không được trân trọng.
Sau khi kết thúc việc ghi hình, hãy dành lời cảm ơn cho người trả lời phỏng vấn dù chất lượng cuộc trò chuyện có đáp ứng kỳ vọng hay không. Đó là lời cảm ơn vì nhân vật đã dành thời gian cho chương trình.
Nguồn Tạp chí Lý Luận và Truyền Thông