CSR – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã là một phần trong hoạt động thường xuyên của nhiều doanh nghiệp nhưng cách làm đang thay đổi dần theo thời gian. Có thể nói, ban đầu người ta làm vậy mục đích đầu tiên là giúp cho tâm mình an. Sau giai đoạn hướng thiện để tâm an, CSR chuyển sang thời đại của marketing, quảng bá hình ảnh của mình. Ở giai đoạn tiếp theo, CSR trở thành một phần của chiến lược kinh doanh và vận hành doanh nghiệp vừa quảng bá thương hiệu vừa thu hút nhân tài. Nói một cách dễ hiểu là các doanh nghiệp thu hút nhân lực bằng một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển chuỗi giá trị bằng nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ những thị trường đang nổi và nuôi dưỡng một xã hội ổn định, tiến bộ vì sự phát triển chung.

Hiện tại, CSR đã chuyển sang giai đoạn thích ứng với xã hội. Wayne Visser, tác giả cuốn Towards Transformative Business, cho rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch qua 5 giai đoạn và CSR của hiện tại được ông gọi là CSR 2.0.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA DOANH NGHIỆP KHI THỰC HIỆN CSR 2.0


CRS 2.0 tức là các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Hoạt động CSR không chỉ đơn giản là đền bù cho những tổn thất của mẹ Trái Đất mà là đáp ứng với các thách thức toàn cầu. Các doanh nghiệp thay vì khai thác tài nguyên, hoặc phát triển bằng mọi giá, rồi mang một phần lợi nhuận bù đắp cho các thiệt hại về môi trường và xã hội, thì đang chuyển dịch theo hướng tìm đến những nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải ra môi trường, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh để sử dụng được nhiều hơn nguồn lực lao động yếu thế,… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tính đến sự ổn định bền vững trong dài hạn cho thị trường và xã hội bằng cách đầu tư cho các hoạt động an sinh quy mô lớn.

CSR CÓ PHẢI CHỈ LÀ CÁCH LÀM THƯƠNG HIỆU CỦA DOANH NGHIỆP?


Có doanh nghiệp bỏ ra khoản tiền rất lớn và thông qua những khoản tiền đó, họ quảng bá hình ảnh của mình trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là đóng góp cho xã hội nhưng mang tính chất marketing nhiều hơn. Điều này có tốt không? Tốt. Đó là những đóng góp thiết thực cho xã hội và cần được khuyến khích nhưng nó không mang lại giá trị bền vững. Nếu chúng ta tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người yếu thế để giúp họ có thêm thu nhập thì không cần bỏ ra số tiền rất lớn để làm từ thiện. Vì vậy, nếu doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh để thích ứng với xã hội thì sẽ mang đến sự phát triển bền vững hơn.

Qua thực tiễn, các doanh nhân nhận ra rằng việc chung sống, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội quan trọng hơn bù đắp lại thổn thất từ quá trình kinh doanh. Bù đắp cho những thiệt hại đã gây ra không phải tệ, cũng tốt thôi, nhưng sẽ không tốt bằng việc chúng ta có những doanh nghiệp hướng tới sự bền vững và bảo vệ môi trường ngay từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

LÀM CSR NHƯ THỰC HIỆN “TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN” – LIỆU CÓ KHẢ THI?


Khi chọn đối tác làm ăn, thông thường người ta sẽ chọn những người đáng tin cậy. Đó là những người thể hiện các trách nhiệm của họ đối với xã hội, bởi không ai thích hợp tác với người không có trách nhiệm. Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động hay xây dựng quy trình sản xuất theo những tiêu chuẩn mang lại giá trị bền vững cho xã hội , ví dụ như Hệ thống tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000.

Doanh nghiệp muốn có đối tác, muốn hoạt động kinh doanh ngày càng tốt hơn, phải tuân thủ luật chơi chung của thế giới. Lúc này, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi về cách họ làm CSR.

LÀM CSR CHỈ ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NHẰM TÌM KIẾM ĐỐI TÁC?


Trên thực tế, đó là sự chuyển hướng mang đến lợi ích kép, cho cả doanh nghiệp và xã hội. Khi doanh nghiệp hướng đến CRS 2.0, họ thực hiện trách nhiệm của mình không chỉ vì xã hội yêu cầu mà tự thân nhận ra phải thích ứng với xã hội để cùng tồn tại bền vững.

Bên cạnh những doanh nghiệp hướng đến môi trường cũng có doanh nghiệp hướng tới thương mại công bằng. Công ty mỹ phẩm, thực phẩm sẽ mua nguyên vật liệu ở những vùng khó khăn, của những người nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình để làm nguyên vật liệu. Điều này sẽ mang đến nguồn thu cho những người nông dân, từ đó tạo ra sự phát triển ổn định và hướng dẫn đến sự phát triển chung của xã hội.

THỰC TRẠNG CSR 2.0 – “LƯỢNG” CHƯA ĐỦ ĐỂ TẠO THAY ĐỔI VỀ “CHẤT”


Xu hướng CSR 2.0 đã phát triển trên thế giới từ nhiều năm nay nhưng chưa phải là xu thế chủ đạo. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp làm CSR theo kiểu cũ hoặc thậm chí không làm CSR. Phải để doanh nghiệp thấy, đó là một xu thế tích cực.

Hiện tại, môi trường vẫn bị tàn phá, phân biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng, đó là một xu thế khó cưỡng. Nhưng, nếu có nhiều doanh nghiệp đi theo xu hướng CSR 2.0 thì mức độ tàn phá của môi trường và những bất cập trong xã hội sẽ giảm đi. Chúng ta phá huỷ một cánh rừng vài chục hecta chỉ trong vài ngày nhưng nếu để trồng lại sẽ mất vài chục năm. Ai cũng thấy điều đó là không ổn. Chúng ta đều hiểu, cứ phát triển tự nhiên như bây giờ thì sự hủy hoại, sụp đổ của trái đất sẽ sớm đến. Ngược lại, nếu chúng ta tăng cường các giải pháp kinh doanh không gây tổn hại đến môi trường thì trái đất sẽ được sống tiếp và cùng với đó là sự phát triển của các doanh nghiệp.

NÊN VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN CSR 2.0 HAY ÁP DỤNG CHẾ TÀI?


Chế tài là cần thiết nhưng nó sẽ tốt hơn nếu như tự thân mỗi doanh nghiệp hiểu rằng đó là điều cần làm vì lợi ích của chính mình. Khi đó, doanh nghiệp làm vì sự sống còn của bản thân chứ không phải quy định khắt khe của Nhà nước.

Việc truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp hoạt động theo CSR 2.0 là điều cần thiết. Các doanh nghiệp cần phải thấy nó mang lại lợi ích thế nào? Họ cũng cần được truyền cảm hứng. Vận động có rất nhiều cách giống như tuyên truyền. Phải có người nói doanh nghiệp ấy tốt ra sao để người khác được truyền cảm hứng. Những người làm truyền thông hay những nhà hành động xã hội phải làm việc đó. Để các doanh nghiệp chuyển hướng thì hành động hay vận động đều rất cần.

Đương nhiên, trong quá trình ấy phải có vai trò của những người làm chính sách. Chính sách cần thay đổi để tạo ra những điều kiện mới, những tiêu chuẩn mới để định hướng các doanh nghiệp phải đi theo.

VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC HƯỚNG ĐẾN CSR 2.0

Tại nhiều nước, doanh nghiệp không bị đánh thuế hoặc các khoản đóng góp cho xã hội được đưa vào chi phí của doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp buộc lòng phải lấy từ lợi nhuận. Có nên đưa các khoản đóng góp cho xã hội vào chi phí doanh nghiệp hay không là điều gây ra nhiều tranh cãi. Sự khác biệt là do quan điểm nhưng ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước phát triển, họ khuyến khích để các doanh nghiệp ngày càng đầu tư nhiều cho xã hội. Người ta khuyến khích bằng cách không đánh thuế thu nhập trên những khoản đầu tư cho xã hội. Việt Nam chúng ta chưa có được những chính sách thực sự thiết thực.

Chính sách sử dụng người lao động yếu thế trong doanh nghiệp là một ví dụ cho thấy rất rõ điều này. Theo luật, các doanh nghiệp phải sử dụng 5% lực lượng lao động là người khuyết tật thì mới được miễn giảm thuế. Đối với một công ty có quy mô 100 người, 5% không phải là lớn nhưng với những công ty có đến hàng ngàn người thì con số 5% là không dễ thực hiện. Thế nên, việc quy định 5% là cứng nhắc, nó không khuyến khích cho doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh để sử dụng người khuyết tật. Chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội nhưng lại chưa giúp đỡ họ thực hiện điều đó. Đây là bất cập.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CSR?


Để các doanh nghiệp có nhận thức cao hơn về trách nhiệm xã hội chúng ta cần:

1 – Thay đổi hệ thống chính sách, phải có những hỗ trợ cụ thể và thực chất.

2 – Phải có chương trình quốc gia lớn để điều tiết hoặc hướng dẫn cho các doanh nghiệp tham gia những chương trình cụ thể.

Hiện tại, các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội hoàn toàn tách biệt, mạnh ai nấy làm chứ không phải một phần của mục tiêu chung hay của kế hoạch chung. Giá trị mang lại sẽ cao hơn, bền vững hơn khi những hoạt động riêng rẽ đó được kết nối lại với nhau, hướng đến một mục tiêu chung. Nếu cứ mạnh ai nấy làm chúng ta không thể tạo được thay đổi lớn trong thời gian ngắn.

Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/dao-ly-kinh-doanh-trong-boi-canh-dai-dich-va-luat-choi-thoi-hoi-nhap.html