CHIẾN LƯỢC MARKETING CHO NGÀNH DU LỊCH

Những quy định kiểm soát cởi mở hơn với khách du lịch quốc tế, cùng với quyết định nối lại chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho 13 quốc gia đã thật sự tạo một luồng gió phấn khích đối với các công ty lữ hành Việt Nam. Đây đó, có người còn hối thúc ngành du lịch nắm bắt lấy cơ hội vàng mở cửa du lịch quốc tế.

Nhưng, thực tế chưa phải như chúng ta kỳ vọng. Trong bảng xếp hạng Destination Insights with Google hồi đầu tuần, Việt Nam đứng thứ 43 về lượng tìm kiếm điểm đến trong tháng 3/2022 (giảm 10 – 25%). Nhưng nếu quan sát rộng hơn, chúng ta cũng thấy các hoạt động xúc tiến du lịch đang hoặc sắp diễn ra đều không đặt kỳ vọng thu hút du khách nước ngoài như những năm trước đây.

Vì sao?

Dĩ nhiên, nguyên nhân chính của thực trạng khách du lịch quốc tế chưa mặn mà chọn đến Việt Nam là bởi vì chính sách kiểm soát Covid-19 khá cứng rắn của chúng ta trong suốt một thời gian dài, có thể nói là thuộc hàng những quốc gia khắt khe nhất. Chúng ta cũng là một trong những nước mở cửa chậm nhất trong khu vực. Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa hơn là ở chiến lược thu hút khách du lịch.

Việt Nam đã chuyển dịch chậm hơn các nước trong khu vực trong cuộc đua phục hồi và phát triển du lịch “hậu Covid-19”. Phải nói là, mặc dù có những chiến dịch truyền thông nhất định, và một vài hoạt động có dấu ấn, thí dụ như tham gia World Expo ở Dubai, nhưng thời gian vừa qua chúng ta không làm được nhiều. Thực tế chúng ta đã để mất đi cơ hội vàng khi không tận dụng được thời gian tạm “nghỉ đông” để hoạch định một chiến lược mới, sáng tạo, thay đổi phương thức marketing cho điểm đến Việt Nam.

Có ba mảng hành động chính chúng ta cần làm để đẩy nhanh mục tiêu phục hồi du lịch quốc tế. Đầu tiên phải là một chiến lược marketing kiểu mới, chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức quảng bá đồng loạt sang chiến lược truyền thông tương tác, tùy biến theo từng phân khúc khách hàng mục tiêu, nhằm vào từng thị trường trọng điểm. Chiến lược truyền thông này đòi hỏi tích hợp đa nền tảng truyền thông, sử dụng công nghệ số và giao tiếp trực tiếp với khách hàng mục tiêu.

Thứ hai, nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch. Trải nghiệm của khách du lịch đang thay đổi. Ngày nay, khách du lịch quốc tế đòi hỏi dịch vụ cá nhân hóa và linh hoạt thay đổi theo nhu cầu phát sinh thường xuyên. Các doanh nghiệp, từ lữ hành đến khách sạn và dịch vụ hỗ trợ, cần thiết kế những dịch vụ, sản phẩm mới hơn, linh hoạt hơn, ngày càng nhân bản hơn, trong đó, cần bảo đảm sự an toàn, đề cao giá trị, tính riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt. Phải làm sao tạo được ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch.

Thứ ba, cần có chiến lược gia tăng nguồn đầu tư cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và đầu tư cho các mô hình sản phẩm dịch vụ hiện đại. Bên cạnh đó, có các chính sách thực tiễn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh tay hơn cho các sản phẩm du lịch hiện đại, đặc biệt là các chương trình giải trí tầm cỡ, có tính văn hoá cao.

Du lịch là ngành bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, nhưng lại là ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trước đây và trong tương lai. Phục hồi và nhanh chóng nối lại đà tăng trưởng du lịch quốc tế chính là cú huých chung cho nền kinh tế.

(Tổng hợp từ bài viết của Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Group of companies, Đồng sáng lập Elite PR School)