CÁI CHẾT CỦA NHỮNG NGÔI LÀNG TAOBAO Ở TRUNG QUỐC

Những “ngôi làng Taobao” từng được coi là mô hình phát triển nông thôn thành công khi tạo ra gần 5 tỷ nhân dân tệ doanh thu vào năm 2020, theo Alibaba, công ty mẹ của Taobao. Nhưng trong những năm gần đây, làng Taobao gần như bị xóa sổ. Kể từ sau đại dịch, các trình phát video quảng cáo mang tính giải trí đã trở nên thống trị. Thiếu hiểu biết về bán hàng trực tuyến, tụt hậu về công nghệ khiến những nông dân từng phất lên nhờ Taobao không thể tiếp tục cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử.

“Thời kỳ đầu của Taobao, bạn chỉ cần tìm nguồn sản phẩm tốt, đăng những bức ảnh đẹp và viết một bài quảng cáo thông minh”, theo Yanzi, người bán hàng tại An Khê, “Còn bây giờ, để phát trực tiếp thành công, không chỉ cần người dẫn chương trình tài năng có kỹ năng bán hàng trực tiếp, mà còn phải có đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ kỹ thuật”.

Sau nhiều lần thất bại trong việc tổ chức các phòng phát trực tiếp trên Taobao và Douyin, Yanzi kết luận rằng cô thiếu hiểu biết về mạng xã hội nên không thể thu hút người xem. Các kỹ năng thương thuyết mà cô học được từ cha mẹ đã không hiệu quả. Để thành thạo kỹ năng livestream bán hàng, cô cần sự trợ giúp của chuyên gia.

Các chuyên gia nói rằng mặc dù Internet đã thâm nhập nhanh chóng vào khu vực nông thôn trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp nông thôn vẫn gặp bất lợi trước những thay đổi của nền tảng. Xu hướng phát trực tiếp có thể làm tăng bất bình đẳng kỹ thuật số vốn đã tồn tại.

“Khi phát trực tiếp trở thành một hình thức thương mại điện tử mới, nó đòi hỏi người bán phải hiểu biết hơn về công nghệ. Trong khi một số công ty nhỏ có thể phát triển mạnh nhờ nó, thì các công ty vừa và lớn có nhiều nguồn lực hơn để thuê nhân viên chuyên về tiếp thị nên sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi hơn”, Camille Boullenois, nhà tư vấn tại Sinolytics, công ty tư vấn dựa trên nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, nhận định.

Nguồn: zingnews.vn