BLACKPINK VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ NƯỚC NHÀ

BLACKPINK VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ NƯỚC NHÀ
[Bài trả lời phỏng vấn live trên sóng VOV2 ngày 1/8/2023]
[VOV2] – Cởi mở với những cái mới, bớt kỳ thị với cách nghĩ của tuổi trẻ, dám nhìn nhận những điều khác với tư duy thông thường là điều nên học hỏi từ sự kiện Blackpink – đây là quan điểm của ông Lê Quốc Vinh, TGD Tập đoàn Truyền thông Lê, Đồng sáng lập Elite PR School.
2 đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam thu hút gần 7 vạn khán giả. Không ít người nổi tiếng, ca sỹ, diễn viên showbiz Việt cũng có mặt. Tuy nhiên, đó là về mặt âm nhạc. Dưới góc độ tổ chức sự kiện giải trí, đêm diễn Blackpink cũng để lại nhiều điều suy ngẫm như làm thế nào để ngành văn hóa Việt có thể tạo ra những siêu sự kiện như 2 đêm diễn của Blackpink? Chúng ta còn thiếu những gì, cần bổ sung gì để văn hóa sớm phát huy sức mạnh mềm trong sự nghiệp xây dựng, thúc đẩy đất nước phát triển? Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê – người có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các sự kiện ở Việt Nam.
❓Phóng viên: Thưa ông Lê Quốc Vinh, dưới góc độ thưởng thức văn hóa và cả góc độ của người làm trong lĩnh vực truyền thông. Nói một cách ngắn gọn, theo ông điều thành công nhất của 2 đêm diễn này là gì?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Điều tuyệt vời nhất chúng ta nhìn thấy rằng là ở Việt Nam có thể host một chương trình tầm cỡ quốc tế, điều mà từ rất lâu rồi chúng ta không có. Một ban nhạc tầm cỡ như Blackpink, thuộc hàng đầu thế giới chưa bao giờ đến Việt Nam cho nên đây là một sự kiện gây dấu ấn đậm trong công nghiệp tổ chức các sự kiện âm nhạc. Bên cạnh việc lùm xùm về giá vé thì có một cái chúng ta nhìn thấy tích cực là người dân đã sẵn sàng chi những khoản tiền không nhỏ để thưởng thức chương trình âm nhạc mà họ yêu mến. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng sự phát triển của công nghiệp tổ chức sự kiện âm nhạc tại Việt Nam đã lên một bậc rất cao mặc dù chúng ta phải thừa nhận công lao ở đây thuộc về các nhà tổ chức, các nhà kỹ thuật ở nước ngoài đến Việt Nam.
❓Phóng viên: Ngoài giá vé cao ngất ngưởng, người hâm mộ Blackpink còn chi hàng chục triệu đồng để được ở các hạng phòng cao cấp. Nhiều khách sạn lớn tại Hà Nội thông báo “cháy” phòng.
Chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội ngày có buổi biểu diễn, giá vé “vọt tăng” gần 9 triệu/chặng. Mức giá này còn cao hơn các thời gian cao điểm trong năm. Đơn giản là vì người hâm mộ khắp các địa phương đổ về Hà Nội để được nhìn thấy “thần tượng” của mình. Những thông tin này cũng đủ để thấy sức ảnh hưởng của một ban nhạc đối với công chúng ngoài biên giới quốc gia của họ.
❓Phóng viên: Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đã nghiên cứu công phu từ gu âm nhạc, đặc trưng văn hoá trong chiến lược du nhập tại các quốc gia trong đó có Việt Nam. Nhưng theo ông tại sao Hàn Quốc lại ghi dấu ấn đậm hơn với giới trẻ trong nước?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Người Hàn Quốc có chiến lược phát triển văn hóa rất bài bản, họ đã xây dựng cả một chiến lược quốc gia và những nền tảng cơ bản cho công nghiệp văn hóa trong hàng thập kỷ. Bên cạnh việc phát triển, dùng văn hóa để gây ảnh hưởng thì có một chiến lược rất rõ ràng nữa là các ngành công nghiệp khác đi theo cùng hỗ trợ, cùng song hành với việc đưa văn hóa Hàn Quốc ra quốc tế. Rõ ràng chúng ta đang bị ảnh hưởng không chỉ là văn hóa Hàn Quốc mà cả ngành công nghiệp Hàn Quốc nữa – đây là sự đầu tư rất xứng đáng mà nhiều quốc gia khác mặc dù có tiền nhưng cũng không làm được. Đấy là chưa nói rằng có những quốc gia như chúng ta chẳng hạn, nhận thấy rất rõ giá trị của ngành công nghiệp văn hóa nhưng chúng ta chưa có một ý thức đầy đủ để xây dựng chiến lược cũng như có một kế hoạch cụ thể.
❓Phóng viên: Nếu có cùng 1 công thức như các ca sĩ xứ Kim Chi, theo ông, nghệ sĩ Việt có đủ sức nặng để tạo nên những dấu ấn tương tự hay không?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Nếu mà nói về tiềm năng thì chúng ta phải thừa nhận tiềm năng bao giờ cũng có nhưng thực tế có thực hiện được không thì phụ thuộc rất nhiều vấn đề. Không phải là vấn đề chúng ta có hiểu gu thưởng thức âm nhạc của thế giới hay không, của những thị trường mà chúng ta muốn tấn công hay không mà điều quan trọng có dám vứt bỏ những rào cản, những định kiến, những lối suy nghĩ xáo mòn đối với công nghiệp văn hóa của chúng ta hay không – cái đấy là rào cản lớn hơn rất nhiều.
Cách mà chúng ta đang làm văn hóa, cách mà chúng ta tách biệt văn hóa với sự phát triển của ngành công nghiệp khác, các ngành kinh tế khác nó là cái trói buộc cho nên đến thời điểm này hoặc hơi bi quan thì trong nhiều năm nữa, hàng chục năm nữa chúng ta sẽ rất khó để có sự đột phá trong ngành công nghiệp văn hóa.
❓Phóng viên: Sự kiện nhóm nhạc Black Pink biểu diễn là cơ hội để nước ta thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá du lịch. Nhưng tôi và chắc chắn là cả chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh đều có một mong ước, giá mà các ca sĩ hay các nhóm nhạc đình đám ở VN cũng có thể làm được như thế – thông qua âm nhạc đưa VN đến với thế giới.?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Âm nhạc, văn hóa nói chung đấy là những phương tiện quảng bá đất nước, quảng bá du lịch một cách tốt nhất. Như chúng ta thấy các bộ phim Hàn Quốc đang chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, hay hệ thống cinema hay các kênh Netflix làm chúng ta yêu thích, mong muốn đến du lịch ở đất nước đấy. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có một kế hoạch rõ ràng hay biết cách sử dụng đòn bẩy văn hóa để quảng bá du lịch cũng như các ngành công nghiệp khác. Thực ra có một vài sản phẩm ví dụ như bột phim hợp tác với nước ngoài cũng đã phần nào cố gắng làm được điều đó. Nhưng những gì chúng ta làm được phải nói là rất là xa so với những gì Hàn Quốc đang làm, các nước khác đang làm.
Tôi nghĩ rằng du lịch Việt Nam, văn hóa Việt Nam có quá nhiều thứ để có thể đưa vào âm nhạc, đưa vào các sản phẩm văn hóa để có thể quảng bá ra nước ngoài nhưng mà như chúng ta thấy, chúng ta chưa hiểu nổi gu thưởng thức của quốc tế, của các thị trường, chúng ta không có chiến lược rõ ràng và hỗ trợ cho các sáng tạo đột phá thì rất khó để có thể tiếp cận được với các thị trường bên ngoài Việt Nam. Chúng ta không thay đổi tư duy xáo mòn như bây giờ thì rất khó để có thể chinh phục.
❓Phóng viên: Theo ông chúng ta có thể học hỏi và nên học hỏi kinh nghiệm gì từ sự kiện này để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật nói riêng?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Sự cởi mở với những cái mới, bớt kỳ thị với cách nghĩ của tuổi trẻ, dám nhìn nhận những điều khác với tư duy thông thường của chúng ta đó là cách người Hàn Quốc đã học được và đã chinh phục thế giới. Hãy thử xem lối tư duy của những người lớn khi nhìn nhận giới trẻ chúng ta đi theo thần tượng, những cách nhìn khá bảo thủ như vậy bóp chết ý tưởng sáng tạo từ trong nước rồi. Chúng ta phải học cách bao dung, cách chấp nhận sự khác biệt đó là con đường phát triển của công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa – đấy là cốt lõi. Chưa thẩm thấu cốt lõi đó thì khó tạo nền tảng cho ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Tất nhiên là cần phải đầu tư một cách bài bản, một cách có hệ thống tạo điều kiện cho những người có tâm huyết có năng lực ở trong nước đi tiếp cận và học hỏi cũng như tạo điều kiện cho họ được trình diễn sự sáng tạo của họ và phải bắt đầu từ thị trường trong nước.
Chúng ta cởi mở với những sáng tạo đấy, chúng ta cho phép những tác phẩm văn hóa, sáng tạo khác lạ với cách tiếp cận thông thường thì nó mới tạo điều kiện cởi bỏ tư duy của thị trường Việt Nam. Từ đó mới tạo đòn bẩy đưa ra nước ngoài. Và điều quan trọng nữa là hỗ trợ sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo tức là phải hỗ trợ cho những nhà đầu tư, dám bỏ tiền, dám bỏ nhiều tiền để đầu tư cho công nghiệp văn hóa, chỉ cần hỗ trợ bằng cách “để cho họ làm”, tạo ra sân chơi để cho họ đầu tư, họ dám làm những điều chúng ta đang còn e ngại và các sản phẩm trí tuệ đó được chính quyền bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan một cách rất đầy đủ thì lúc đấy nó mới có cơ sở cho thị trường đó phát triển.
❓Phóng viên: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Thủ tướng Chính phủ kí ban hành đặt mục tiêu: đến 2030 GDP từ 12 ngành công nghiệp văn hóa đạt 7% GDP. Con số này khả thi đến đâu trong bối cảnh hiện tại của các ngành công nghiệp văn hóa nước ta thưa ông Lê Quốc Vinh?
❗️Ông Lê Quốc Vinh: Thực ra 3-4 năm vừa qua chúng ta nói rất nhiều mục tiêu này, đó là mục tiêu rất tham vọng. Mục tiêu này khá là xa so với năng lực chúng ta đạt được. Cho đến bây giờ chúng ta mới có một kế hoạch rất là tổng quát thôi chứ chúng ta chưa có kế hoạch hành động cụ thể và chưa có chương trình cụ thể hỗ trợ cho công nghiệp văn hóa một cách cụ thể. Bây giờ đã là năm 2023 rồi nên thời gian để đạt được mục tiêu đó khá là khó. Nếu muốn thay đổi, nhà nước cần phải có kế hoạch hành động chi tiết và có thể thực thi từ bây giờ thì may ra chúng ta mới đạt được một phần nào đó trong mục tiêu này.
❓Phóng viên: Sau 2 đêm diễn của Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, đã có những câu hỏi đặt ra làm thế nào để ngành văn hóa Việt có thể tạo ra những siêu sự kiện tương tự. Và muốn có một cách quảng bá văn hoá và hình ảnh đất nước ra toàn thế giới theo một cách rất hiện đại bằng công nghệ biểu diễn mà Blackpink là một ví dụ – thì phải chờ bao nhiêu năm nữa? Ít nhất là 10 năm – đây là con số lạc quan nếu ngay từ bây giờ, chúng ta bắt đầu một chiến lược nghiêm túc từ tầm quốc gia cho việc xuất khẩu văn hoá và dùng văn hoá xâm nhập vào các quốc gia khác.
❓Phóng viên: Xin được cảm ơn ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê.

Không có mô tả ảnh.

Phạm Trang thực hiện
Bài viết từ Facebook ông Lê Quốc Vinh