BAEMIN RÚT KHỎI VIỆT NAM, LÝ DO ĐẰNG SAU LÀ GÌ?

BAEMIN RÚT KHỎI VIỆT NAM, LÝ DO ĐẰNG SAU LÀ GÌ?
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2019 với sắc xanh ngọc ấn tượng kèm những chiến dịch Marketing đình đám, Baemin từng được xem là một đối thủ đáng gờm của Grab và Shopee Food. Tuy nhiên, trước sự biến động của thị trường sau nhiều năm, “ngày tàn” của BAEMIN tại Việt Nam đang đến dần. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Baemin rút khỏi thị trường Việt Nam?
Không có mô tả ảnh.

KINH DOANH – VẬN HÀNH: THỦY TRIỀU LÊN VÀ RÚT

Tuy những chiến lược Marketing và Branding tốt có thể giúp Baemin được biết đến nhiều hơn, những gì giữ người dùng ở lại là quá trình kinh doanh, vận hành của họ.
Việc vận hành một ứng dụng giao đồ ăn ở giai đoạn đầu giống như thuỷ triều lên, nước tràn đầy và mọi người bên trong đó đều vui: Chủ nhà hàng thấy bán hàng được, doanh số về nhiều; người dùng thấy khuyến mại nhiều, app dễ thương; tài xế thì “ấm” ví vì nhiều chương trình thưởng năng suất; các bên quảng cáo, đặc biệt là OOH thì vui khi có một “con cá bự” chi mạnh tay cho các tấm biển quảng cáo lớn ở nhiều vị trí trung tâm đắt đỏ.
Nhưng ở giai đoạn sau Covid, việc vận hành lúc này giống như khi thuỷ triều rút, sình lầy hiện ra và cả cát đá. Nhà hàng thấy không còn đơn Baemin nữa, màu áo xanh ngọc thưa dần; người dùng thấy app không còn nhiều khuyến mại, ít nhà hàng hơn, gọi giao hàng khó và chậm vì đã ít tài xế hơn; tài xế thì phàn nàn vì phải đi lấy đơn xa mà số lượng đơn hàng cũng không còn nhiều, không đủ tạo thu nhập cho họ sinh sống.
Tuy Baemin có được sự hào nhoáng trong truyền thông, phải thừa nhận rằng họ chưa thực sự hiểu người dùng Việt.
THỊ TRƯỜNG: KHI NGƯỜI DÙNG THẮT CHẶT HẦU BAO
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người dùng thắt chặt hầu bao hơn với các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả việc đặt đồ ăn qua những ứng dụng như Baemin.
Khi app cắt giảm khuyến mại, người dùng nhận ra mua tại cửa hàng sẽ rẻ hơn so với đặt qua ứng dụng với phí ship lên đến vài chục nghìn cho chiết khấu của app. Bên cạnh việc nhiều cửa hàng gặp khó khăn ngừng hợp tác với app, sự cạnh tranh với super-app (siêu ứng dụng) khiến ngày tàn của Baemin gần hơn bao giờ hết. Chỉ với một nhánh kinh doanh là giao đồ ăn, Baemin không thể kinh doanh bù lỗ từ những nhánh khác mà chỉ có thể dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ và lợi nhuận từ mảng giao đồ ăn để hoạt động.
BỐI CẢNH KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ CỦA GIỚI STARTUP: MÙA ĐÔNG GỌI VỐN
Trong giai đoạn thị trường đang trầm lắng và lãi suất ngân hàng đang tăng cao theo tác động từ Mỹ, nguồn vốn để đầu tư mạo hiểm đã trở nên khan hiếm. Các quỹ đầu tư hiện chỉ chọn những sản phẩm có thực lực và tiềm năng lời rõ ràng, không còn phụ thuộc quá nhiều vào kỳ vọng thị trường hoặc tăng trưởng nhanh chóng. Ngoài ra, các quỹ đầu tư đều yêu cầu các startup phải có kế hoạch đạt lợi nhuận sớm và không tiếp tục đầu tư cho các startup không có mô hình kinh doanh cốt lõi mạnh mà chỉ tập trung vào việc đổi tiền lấy thị phần.
Những yếu tố này khiến việc Baemin gọi vốn một số triệu USD để hoạt động tại Việt Nam trong thời điểm này là một bài toán khó khăn.
Ở hoàn cảnh thị trường hiện tại, tình hình kinh doanh của đa phần doanh nghiệp đều không sáng sủa. Vì thế, doanh nghiệp nào còn tồn tại được đều là kết tinh nhờ sự nỗ lực phi thường của tập thể, sự lanh lẹ trong kinh doanh của người lãnh đạo, hay cả may mắn từ thị trường.
Nguồn: GenK