“NHŨN NÃO” TRONG THỜI ĐẠI NỘI DUNG SỐ – KHI NHỮNG “NHÀ SÁNG TẠO NỘI DUNG” LÊN NGÔI

Trong năm 2024, cụm từ “nhà sáng tạo nội dung” không còn xa lạ với tất cả mọi người. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này không chỉ mở ra cơ hội danh tiếng mà còn kéo theo những hệ lụy đáng báo động.

Thời đại của những “Nhà sáng tạo nội dung”

Năm 2024 chứng kiến sự lên ngôi mạnh mẽ của những nhà sáng tạo nội dung (creators), những người làm chủ sân chơi trên mọi nền tảng mạng xã hội. Với các video TikTok, podcast Spotify, hay bài đăng Threads, họ không chỉ tạo nên các xu hướng mà còn dần thay thế vai trò của những nhân vật truyền thống trong ngành giải trí và truyền thông.

Thuật ngữ “creator” khác biệt với “influencer” bởi hàm ý tích cực hơn, gắn liền với sự sáng tạo. Những người sáng tạo nội dung hiện nay không chỉ dựa vào hình ảnh đẹp mà còn đầu tư sản xuất podcast, video, và các bài đăng độc đáo, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, kể cả chính trị.

Có lẽ vì vậy mà năm qua, nhiều creator được mời xuất hiện bên cạnh những gương mặt chính trị Mỹ trong một loạt sự kiện thu hút hàng triệu cư dân mạng: hai chủ podcast Alex Cooper và Lex Fridman lần lượt phỏng vấn Phó tổng thống Kamala Harris và tỉ phú Elon Musk, cây hài Theo Von trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump… Với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, creator là cầu nối cảm xúc, tạo cảm giác gần gũi như những người bạn quen thuộc qua màn hình.

Hiện tượng “nhũn não” – hệ lụy từ nội dung vô nghĩa

Dù có nhiều những creator tạo ra giá trị tích cực, mạng xã hội cũng đầy rẫy những nội dung nông cạn, khiến người dùng dễ rơi vào trạng thái “não tàn”. Năm qua, từ “brain rot” (nhũn não) trở thành từ của năm do Oxford công bố, phản ánh tình trạng suy thoái trí tuệ do tiêu thụ quá nhiều nội dung vô nghĩa.

Một ví dụ điển hình là trào lưu Skibidi Toilet – một loạt video hoạt hình đơn giản nhưng thu hút đến 65 tỷ lượt xem. Những nội dung này không mang lại giá trị cụ thể nào ngoài việc thỏa mãn sự tò mò hoặc giúp người xem giết thời gian. Điều đáng lo ngại là chúng đang dần định hình hệ ngôn ngữ và tư duy của giới trẻ, biến những cụm từ vô nghĩa thành ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.

Thuật toán của các nền tảng và “tô xúp không đáy”
Không thể phủ nhận trách nhiệm của cả người sáng tạo lẫn khán giả. Tuy nhiên, các công ty công nghệ đứng sau những thuật toán gợi ý cũng góp phần lớn. Họ thiết kế nền tảng để người dùng cuốn vào vòng xoáy xem mãi không ngừng, giống như thí nghiệm “tô súp không đáy” – nơi con người cứ ăn liên tục mà không nhận ra mức độ tiêu thụ.
Dẫu vậy, nhiều người trẻ xem đây là một cách giải trí vô hại, thậm chí tự hào vì “bắt trend” nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chính sự vô tư này đang góp phần duy trì tình trạng nghiện nội dung kém chất lượng.
Nguồn : Phan Bảo – Tuổi trẻ cuối tuần
Hãy theo dõi Elite PR School để cập nhật các thông tin và kiến thức về truyền thông, thương hiệu các bạn nhé!