Ngày 21/6 vừa qua, ông Lê Quốc Vinh đã cho ra mắt tựa sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”. Đây là cuốn sách đúc kết kinh nghiệm trong nhiều năm làm nghề của tác giả, đồng thời đưa đến những kiến thức bổ ích cho bất cứ ai đã, đang và sẽ chú ý đến sự cố khủng hoảng truyền thông.
Tác giả mở đầu cuốn sách bằng câu chuyện về một cuộc gọi lúc 11h đêm từ một nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang hoảng sợ vì một sự cố khủng hoảng. Đây là một trong số vô vàn những cuộc gọi vô cùng quen thuộc mà ông nhận được với tâm lý sợ hãi, hoảng loạn. Ông Lê Quốc Vinh nhận định rằng, bản chất các cuộc khủng hoảng thường không xuất phát từ truyền thông mà từ chính nội bộ doanh nghiệp.
Đặc biệt, điều này dễ xảy ra nhất khi doanh nghiệp coi trọng lợi ích của mình hơn lợi ích của khách hàng, hoặc thiếu minh bạch trong việc đưa tin. Điều này khiến nhân viên không hiểu rõ tình hình, trốn tránh trách nhiệm và tạo ra tin đồn không kiểm chứng, dẫn tới nhiều thuyết âm mưu và tin giả.
Tại sự kiện ra mắt sách, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School chia sẻ rằng: “Hiện nay chỉ có hai loại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã gặp khủng hoảng và doanh nghiệp sẽ gặp khủng hoảng”.
Ông bổ sung rằng một số doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng cách xử lý khủng hoảng là bịt miệng truyền thông, điều này có thể phản tác dụng và làm mất niềm tin của cộng đồng. Xử lý khủng hoảng không nên chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn thông tin tiêu cực, mà cần phải quản trị mối quan hệ tích cực giữa doanh nghiệp và các bên liên quan.
Cả hai chuyên gia đều đồng tình rằng nguyên nhân sâu xa của các cuộc khủng hoảng truyền thông nằm ở chiến lược quản trị và triết lý kinh doanh. Việc doanh nghiệp cần điều chỉnh là làm sao duy trì được sự thống nhất bên trong nội bộ, hoặc không doanh nghiệp sẽ tiếp tục đi theo “vết xe đổ” từ các cuộc khủng hoảng, thậm chí nghiêm trọng hơn. Ông Lê Quốc Vinh đưa ra lời khuyên rằng doanh nghiệp nên tạo thiện cảm với cộng đồng, điều này sẽ giúp họ được tha thứ khi mắc lỗi nhỏ.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Đình Thành, xử lý khủng hoảng là một công việc đặc biệt khó khăn, đòi hỏi người đảm nhiệm phải đối diện với những mặt trái của xã hội với những luồng thông tin tiêu cực, cùng với đó giữ vững tinh thần. Ông Lê Quốc Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người xử lý khủng hoảng là luôn giữ vững sự bình tĩnh, có một cái đầu lạnh để từ đó tránh được những tranh cãi vô ích và tập trung vào việc giải quyết vấn đề.
Vai trò của người làm truyền thông trong khủng hoảng là cung cấp thông tin trung thực và đúng đắn nhất cho báo chí để có cái nhìn khách quan. Họ không được biến không thành có hay đổi trắng thay đen, mà giúp các bên liên quan đưa ra kết luận chính xác nhất, tránh làm trầm trọng thêm lỗi của doanh nghiệp và không để doanh nghiệp bị oan – Ông Lê Quốc Vinh tâm sự.