COP28: CAM KẾT “GIÃ TỪ THAN – DẦU – KHÍ” VÀ CÔNG LAO CỦA CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN ADNOC
COP28 đã chính thức thông qua thỏa thuận khẳng định sự khởi đầu của kỷ nguyên chia tay với năng lượng hóa thạch – nguyên nhân chính khiến Trái Đất bị hâm nóng. Quyết định này được đưa ra một phần lớn nhờ vai trò của chủ tịch COP28, chủ tập đoàn dầu mỏ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Sultan al-Jaber.
LÀM RÕ “LẰN RANH ĐỎ”: THỦ PHÁP ĐÀM PHÁN
Vào ngày áp chót của hội nghị, 11/12, chủ tịch COP28 đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận gây sốc, khi bỏ nội dung ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’. Đông đảo các nước và giới tranh đấu môi trường kịch liệt phản đối phiên bản, bị coi là được đưa ra dưới áp lực của khối các nước bảo vệ năng lượng hóa thạch.
Sau đó, một thỏa thuận cuối cùng đã được đưa ra, cụm từ ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ (phase out) được thay thế với cụm từ uyển chuyển hơn, ‘‘giã từ dần dần’’ (transition away from) các năng lượng hóa thạch ‘‘một cách đúng đắn, có tổ chức và công bằng’’. Dự thảo rút cục đã nhanh chóng được gần 200 nước thông qua chỉ ít giờ sau khi được đưa ra.
Về dự thảo áp chót bị đông đảo cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội, ban điều hành COP28 giải thích rõ, trên thực tế, đây là một thủ pháp đàm phán nhằm cho phép phe dầu mỏ bộc lộ quan điểm, và cũng là dịp để các quốc gia khác khẳng định ‘‘các lằn ranh đỏ’’.
THÔNG ĐIỆP ‘‘1,5°C’’ ĐÚNG LÚC: “LỰC ĐẨY” CHO ĐÀM PHÁN
Vừa để các tiếng nói phản đối việc ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ được bày tỏ đầy đủ, vừa lắng nghe và tiếp thu quan điểm của giới bảo vệ khí hậu là hành xử của chủ tịch COP28. Thông điệp ‘‘Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C ’’ được ông nhiều lần khẳng định là ‘‘kim chỉ nam’’ cho hành động của ông, trước thềm hội nghị, và nhiều lần trong những ngày đầu tiên.
Điều này đã mang lại ‘‘lực đẩy tích cực’’cho tiến trình đàm phán, theo ghi nhận của ông Yves Marignac, chuyên gia về năng lượng hạt nhân và hóa thạch, Viện Institut NégaWatt, trong một cuộc trả lời đài RFI.
Nhanh chóng ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’: Cơ hội cuối cùng với nhân loại
Trên thực tế, nhân loại chỉ còn ít năm nữa để giữ được mục tiêu “1,5°C” (trong lúc nhiệt độ Trái đất hiện đã tăng hơn 1,4°C). Để làm được điều này, trước mắt phải cắt giảm được ít nhất đến 43% khí thải (chủ yếu) do năng lượng hóa thạch (so với năm 2019) ngay trước năm 2030, tức phải nỗ lực gấp hai mươi lần so với hiện nay.
Đối với không ít chính trị gia, nhà quan sát, thỏa thuận khí hậu COP28, mở đầu kỷ nguyên ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’, được cho là ‘‘lịch sử’’, trên thực tế có thể là ‘‘cơ hội cuối cùng’’ với cộng đồng quốc tế, để tránh các đại thảm họa do biến đổi khí hậu. Vấn đề tiếp theo là các hành động ‘‘hiệu quả’’ nào để thực thi mục tiêu này.
Đừng quên like page và theo dõi để nhận được các thông tin thú vị cập nhật về nghề Marcom cũng như các khóa học về truyền thông thương hiệu tại Elite PR School các bạn nhé!