TRUYỀN THÔNG VỀ VẤN ĐỀ GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

TRUYỀN THÔNG VỀ VẤN ĐỀ GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
(LLCT&TT) Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày người dân thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa (RTN), với khối lượng RTN ra biển dao động trong khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm(1). Hệ sinh thái hiện nay đang chịu ảnh hưởng trực tiếp đến từ ô nhiễm RTN. Truyền thông nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả RTN và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe con người là nhiệm vụ cấp thiết lúc này. Dựa trên thông tin thực trạng về RTN và nhận thức của công chúng, tác giả khảo sát một số hoạt động truyền thông giảm thiểu RTN tiêu biểu vừa qua tại Việt Nam. Từ đó, bài viết cũng gợi mở một số thách thức và cơ hội can thiệp về mặt truyền thông liên quan đến vấn đề này.
1. Thực trạng về rác thải nhựa và nhận thức của công chúng về vấn đề này tại Việt Nam
1.1. Thực trạng về rác thải nhựa tại Việt Nam
Tại Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Tiêu dùng nhiều khiến cho lượng chất thải nhựa cũng tăng lên theo cấp số nhân. Một số liệu từ Tổng cục Môi trường (trích dẫn từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam)(2) cho biết năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói của Việt Nam và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng RTN tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác, thu mua giấy vụn, các vật thải (“đồng nát”, “ve chai”) và chuyển về tái chế tại doanh nghiệp nhỏ. Điều đó có nghĩa 86% lượng RTN, tương đương với 15.000 tấn mỗi ngày đang được chuyển vào các bãi rác thải lộ thiên, bãi chôn lấp, và thậm chí trong trường hợp xấu nhất, thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào.
Theo Nguyễn Thi (2019), nếu 10% chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng và thải bỏ hoàn toàn, thì lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, một gánh nặng vô cùng lớn với môi trường(3). Trên thực tế, tình hình xử lý rác thải tại Việt Nam gặp nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Hiện nay, có khoảng 71% rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhưng chỉ có 20% là bãi hợp vệ sinh và tình trạng quá tải xảy ra ở hầu hết các bãi rác(4). Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường biển cũng như sức khỏe con người vẫn còn hạn chế. Hậu quả về sinh thái mới chỉ được thảo luận giữa các nhà khoa học và ít khi được đề cập đến toàn thể công chúng.
Nhìn chung, tại Việt Nam, lượng RTN ngày một tăng, trong khi đó hệ thống thu gom xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều hoạt động từ Chính quyền, tổ chức, cá nhân đã được tổ chức thực hiện để giảm RTN. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán khó và cần nhiều thời gian cũng như sự chung tay của nhiều bên liên quan.
1.2 Nhận thức và thái độ chung của người Việt Nam về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam
– Nhận thức
Phần lớn người Việt Nam nhận thức được những tác hại chung của RTN. Theo Báo cáo khảo sát “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu dùng bao bì từ nhựa dùng một lần tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, người tiêu dùng có nhận thức rõ ràng về tác hại của sản phẩm có bao bì nhựa dùng 1 lần (ND1L) với môi trường. 99% người trả lời cho rằng sản phẩm có bao bì nhựa có hại với sức khỏe và môi trường. Thậm chí gần 75% đã cố gắng hạn chế sử dụng. Ngoài ra, 26% người trả lời họ có nhận thức về tác hại của bao bì nhựa, nhưng vẫn sử dụng vì không có phương án thay thế(5).
Tuy nhiên, khi được hỏi về những nội dung chuyên sâu hơn liên quan đến RTN, nhìn chung người dân có kiến thức khá hạn chế. Theo Nghiên cứu người tiêu dùng về sử dụng nhựa tại Việt Nam năm 2019 thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ 16,5% người được hỏi có hiểu biết về đặc tính của nhựa liên quan đến vật liệu sản xuất, các loại nhựa và nhận biết ND1L. Phần lớn còn lại có kiến ​​thức hạn chế hoặc không có ý kiến ​​về vấn đề này. Tương tự, nhận thức của người dân về tác động của nhựa đối với sức khỏe con người cũng rất khiêm tốn: chỉ hơn 15% có thể kể đến ba tác động của nhựa với sức khỏe con người hoặc ba đường tiếp xúc của nhựa với cơ thể con người.
– Thái độ
Dù có nhận thức chưa thực sự đầy đủ, người dân có thái độ tương đối rõ ràng và tích cực về việc cải thiện tình trạng ô nhiễm nhựa. Theo Nghiên cứu người tiêu dùng về sử dụng nhựa tại Việt Nam (2019), 77,9% người được hỏi rất quan tâm đến tác động của RTN và cảm thấy có trách nhiệm với việc giảm thiểu nhựa. Các kết quả định tính cũng cho thấy rằng mọi người dân quan tâm đến tác động môi trường và sức khỏe con người của ô nhiễm nhựa và cảm thấy việc thay đổi để tốt hơn là điều đúng đắn.
Khi được hỏi “Ai phải chịu trách nhiệm về việc giảm thiểu nhựa hoặc túi nilon? Chính phủ? Các nhà máy xử lý chất thải? Người bán lẻ? Các nhà sản xuất hay bất kỳ cá nhân nào?”, 89,4% số người được hỏi cho rằng trách nhiệm chủ yếu thuộc về cá nhân. Điều này phản ánh rằng người dân hiểu rằng, ngoài việc tìm kiếm các chính sách hoặc quy định từ Chính phủ, người dân nhận thức rằng việc giảm thiểu nhựa phải được thực hiện bởi mỗi thành viên trong xã hội. Thái độ tích cực này cho thấy khả năng tiếp nhận của họ đối với những thay đổi trong điều kiện không có những rào cản khác đối với sự chuyển đổi đó.
2. Một số hoạt động truyền thông về vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam hiện nay
2.1. Các hoạt động truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Các hoạt động truyền thông về vấn đề RTN của Bộ Tài nguyên và Môi trường thể hiện cách tiếp cận khá đặc trưng của Mô hình Truyền thông thay đổi hành vi xã hội. Đó là sự kết hợp giữa các giải pháp về chính sách, truyền thông chính sách và những hoạt động truyền thông hướng tới các cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Song song với giải pháp về mặt chính sách, với vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy. Từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Trong khuôn khổ phong trào này, các tổ chức liên quan như doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán đã ký cam kết chống RTN. Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” được Bộ triển khai tại nhiều địa phương với các hoạt động như thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và khuyến khích hành vi cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon. Phong trào chống RTN cùng được thực thi dưới dạng “Thử thách dọn rác” tại nhiều địa phương(6).
Có thể thấy, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã tạo ấn tượng về tính quy mô phủ rộng, thu hút được sự tham gia của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông còn nặng tính tuyên truyền khẩu hiệu, phát động phong trào, chưa có hành động cụ thể. Mức độ tham gia ở cấp cộng đồng khá rõ nét.
2.2 Chiến dịch truyền thông của các tổ chức phi chính phủ
– Loài Plastic 2019
Loài Plastic là một dự án phi lợi nhuận được phát triển bởi nhóm tác giả của Iris Cao với sự đồng hành của tổ chức triển lãm: Vietnam Halography (RIO Vietnam). Với thông điệp “Loài nhựa đang xâm chiếm Trái Đất”, dự án mong muốn thay đổi nhận thức hướng đến hành động giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm từ nhựa, nylon qua nhận thức về sự “xâm chiếm” của đồ dùng nhựa trong cuộc sống.
– Nghiệp nhựa 2019
Nghiệp nhựa là một trong những dự án sáng tạo của CHANGE có mục đích khuyến khích mọi người hạn chế sử dụng các sản phẩm về nhựa, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng nhanh như ly nhựa, ống hút, bao ni lông(😎. Dự án sử dụng các phương pháp tiếp cận chính là truyền thông sáng tạo và kết nối cộng đồng thông qua việc triển khai hoạt động online nhằm thực hiện các chiến dịch chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, và khuyến khích phát triển bền vững. Loại hình truyền thông chủ yếu được sử dụng là Kênh truyền thông sở hữu (Owned Media) với thông điệp xuyên suốt là “Xài nhựa vô độ – Nghiệp tụ vô chừng”, từ đó tạo hành vi ngừng sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa, tập thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường (làn đi chợ, ống hút inox,…). Tuy không hoạt động dàn trải ở các nền tảng khác nhau, dự án tập trung triển khai trên nền tảng kỹ thuật số với nội dung sáng tạo. Dù vậy, thông tin mới dừng ở bề nổi, chưa khai thác sâu nguồn gốc của vấn đề.
– Gia Vô Vị 2018
Gia Vô Vị nằm trong khuôn khổ chiến dịch iCHANGE Plastics với mục tiêu thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế đồ nhựa 1 lần qua nhận thức được tác hại của hạt vi nhựa. Dự án đã tiếp cận với nội dung truyền thông truyền cảm hứng và đầy sáng tạo thông qua một bộ gia vị mang tính hình tượng – không mùi, không vị, chứa 100% thành phần là các mảnh RTN cắt nhỏ với mong muốn truyền tải ý nghĩa của dự án, đó là “Gia vị bạn đã nếm nhưng không muốn nêm vào thức ăn” bởi hạt vi nhựa luôn tồn tại trong những thứ xung quanh trong cuộc sống, vì thế hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa 1 lần để bảo vệ sức khỏe.
Dự án sử dụng tối đa các kênh Owned media và hợp tác với các KOLs nhằm kêu gọi giảm thiểu sử dụng sản phẩm . Hoạt động nổi bật của dự án đó là việc “bán” bộ Gia Vô Vị ở các cửa hàng đối tác (MARC Fashion, Pizza 4P’s,…), như 1 cách thức triển lãm. Tuy nhiên, thông điệp của dự án chưa thực sự tiếp cận đến nhiều người mà chỉ giới hạn ở một nhóm người nhất định.
– Cuộc chiến trộm nhựa – WE DO
“Cuộc chiến trộm nhựa – WE DO” (nằm trong khuôn khổ giải thưởng Wechoice) do Kenh14.vn phát triển, là một trong những chiến dịch có tầm ảnh hưởng và độ lan tỏa lớn. Với thông điệp: Điều chỉnh thói quen nhỏ, tạo ra thay đổi lớn – Cuộc chiến trộm nhựa đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, đề cao “lối sống xanh” của cộng đồng. Dự án gồm chuỗi 30 thử thách nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ thông qua việc lựa chọn một chiến lược tiếp cận khó khăn nhưng rất bền vững: “Điều chỉnh thói quen nhỏ – Tạo ra thay đổi lớn”. Đây là một dự án được đầu tư với việc triển khai trên các mô hình truyền thông đa dạng khác nhau nhằm đạt được mục tiêu của chiến dịch.
Bên cạnh việc triển khai nội dung thường xuyên, sáng tạo trên các nền tảng truyền thông, chiến dịch còn thu hút nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của loạt nghệ sĩ đình đám, phải kể đến như: Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Tiểu Vy, Hoa hậu/siêu mẫu Lan Khuê, Á hậu Tú Anh, siêu mẫu Minh Tú, ca sĩ Minh Hằng, ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh, ca sĩ Chi Pu, ca sĩ Min, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Châu Bùi, dàn sao “Running man Việt Nam”… Dự án có những hoạt động để tạo nên sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng nhưng cũng như các dự án kể trên, dự án chỉ tác động được đến một nhóm nhỏ, chưa tạo nên tác động lớn đến các nhóm khác để tạo nên sự thay đổi thực tế.
– Các hoạt động truyền thông của tổ chức WWF trong dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Chiến dịch truyền thông “Cuộc xâm chiếm của rác thải”
Chiến dịch được phát động trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020 với thông điệp chính “Rác sẽ đổ về đâu khi các bãi rác đều đã – đang quá tải và báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hãy dừng thải rác nhựa ngay hôm nay!”. Với sự phối hợp hành động Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) của 3 tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Rạch Giá và Phú Yên, chiến dịch hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường.
Cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa
Vào tháng 04/2020, WWF phát động cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa nhằm tìm kiếm các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết vấn nạn rác thải nhựa. Đây là cơ hội để lan tỏa các thông điệp truyền thông và kêu gọi sự tham gia của cá nhân và cộng đồng vào hành trình nỗ lực giảm thiểu RTN đại dương. Cuộc thi tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi hướng đến thay đổi hành vi trong sử dụng và thải loại rác nhựa cũng như tăng tỷ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa.
3. Thách thức và cơ hội can thiệp truyền thông về vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam
3.1. Thách thức
Tại Việt Nam, công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường đã được chú trọng hơn trong vài năm gần đây. Các đài truyền hình trung ương, địa phương, các cơ quan báo chí – truyền thông đã phản ánh về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững, kêu gọi thay đổi thói quen sử dụng ND1L. Báo cáo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng ND1L của Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2020 cho thấy có một khoảng cách giữa nhận thức và hành vi tiêu dùng ND1L. Nhìn chung, không có sự tương quan tỉ lệ thuận rõ ràng giữa nhận thức của người tiêu dùng về ND1L với hành vi giảm sử dụng. Chỉ có khoảng 24% – 26% những người có hiểu biết tốt hơn về tác hại của ND1L là có hành động thường xuyên mang theo túi hoặc đồ đựng khi đi chợ. Tuy nhiên, có tới trên 50% những người được hỏi ở mọi nhóm nhận thức (từ có hiểu biết đến không có hiểu biết) đều hiếm khi hoặc chưa bao giờ mang túi hoặc đồ đựng khi đi chợ(7).
Ngoài ra, khả năng đáp ứng của các đối tác (báo chí, tổ chức/nhóm cộng đồng, nhà trường) trong hoạt động truyền thông còn hạn chế, chưa chuyên sâu vào lĩnh vực giảm RTN, nhận thức về thông tin, quy định pháp luật liên quan còn yếu; thiếu đội ngũ nhân sự để tổ chức các hoạt động truyền thông đa phương tiện.
3.2. Cơ hội can thiệp truyền thông
Mặc dù tính hiệu quả của các hoạt động truyền thông trực tiếp lên việc thay đổi hành vi giảm sử dụng ND1L còn nhiều hạn chế. Nhưng một trong những cơ hội rõ nét nhất để can thiệp truyền thông về giảm thiểu RTN đại dương chính là thay đổi Thái độ của người tiêu dùng đối với hành vi giảm sử dụng ND1L.
Việc thay đổi thái độ của người tiêu dùng có những thuận lợi và cơ hội nhất định. Các nhóm công chúng mục tiêu đã có nhận thức nhất định và thái độ tương đối tích cực liên quan đến vấn đề này. Các cơ quan chính phủ và bộ ban ngành đã nhận ra tình trạng báo động về RTN và thực hiện các bước đi đúng hướng trong việc thúc đẩy các chính sách quản lý chất thải và giải quyết ô nhiễm nhựa trên biển. Dù kiến thức chuyên sâu còn hạn chế, phần lớn người dân đã dần nhận thức được tác hại cơ bản của RTN. Đây phần nào là kết quả thu được sau các phong trào, hoạt động tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cùng những nỗ lực truyền thông của các cơ quan báo chí và các tổ chức phi chính phủ.
Trong thời gian vừa qua, nhiều chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông đã được tổ chức với quy mô và hình thức đa dạng, tiếp cận nhiều nhóm công chúng mục tiêu với các thông điệp tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả các hoạt động đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống RTN tổng thể.
Tuy nhiên, còn một số khoảng trống mà các hoạt động truyền thông tiếp theo có thể can thiệp.
Thứ nhất, cần những chương trình truyền thông tổng lực, tiếp cận nhiều đối tượng cùng lúc bằng chiến lược đa kênh. Nhiều hoạt động truyền thông trước đây chỉ tập trung vào một vài nhóm nhỏ như người tiêu dùng, thanh niên hoặc được lan toả qua các cấp chính quyền địa phương.
Thứ hai, tuỳ thuộc vị trí, vai trò, nhận thức, thái độ của mỗi nhóm, cần có cách tiếp cận phù hợp về mặt truyền thông để đi tới mục đích cuối cùng là giảm thiểu RTN và bảo vệ môi trường biển. Thay đổi hành vi sử dụng nhựa luôn đòi hỏi nỗ lực và hành động quyết liệt từ nhiều bên liên quan. Cần có những hoạt động truyền thông kết hợp tác động trực tiếp và gián tiếp, tạo hiệu ứng nhiều chiều, từ đó hình thành sự cộng hưởng giữa các hoạt động này.
Thứ ba, cần lan tỏa những bài học thành công và phát huy khả năng ảnh hưởng của một số nhóm nhất định trong thực hành giảm thiểu RTN. Một số địa phương đã có những bài học kinh nghiệm thành công như Cù Lao Chàm hay một vài phường tại Đà Nẵng… Một số nhóm tỏ ra có nhận thức, thái độ và hành vi tích cực hơn những nhóm còn lại như giáo viên, nhóm học sinh tại một số trường, các hội nhóm bảo vệ môi trường biển được tổ chức và giám sát bởi chính phủ, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh lớn… Với những nhóm này, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thái độ, còn cần tạo điều kiện để họ trở thành những nguồn lan tỏa nội dung, thông tin, truyền cảm hứng đến các nhóm liên quan khác. Có như vậy, hoạt động truyền thông mới có thể tiếp cận đến từng cá nhân, phát huy được hiệu ứng chuẩn mực cộng đồng trong toàn xã hội.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7.2021
ThS. Đỗ Thị Hải Đăng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền