KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG: NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Webinar “Công nghệ số thời AI: Rủi ro và cơ hội cho truyền thông trong khủng hoảng.” có sự tham gia của hai diễn giả là đồng sáng lập Elite PR School: ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê và chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành.
QUẢN TRỊ KHỦNG HOẢNG
Ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh: quản trị khủng hoảng không chỉ là giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn có thể loại bỏ hoàn toàn cuộc khủng hoảng.Trong mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng, các công ty cần chú ý tới sự mất cân đối quan hệ do thiếu tương tác cá nhân, quá tải thông tin, mất tin cậy, và các rào cản văn hóa. Những yếu tố này là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng, khi thông tin không đầy đủ hoặc không rõ ràng gây ra sự nghi ngờ và mất niềm tin.
THƯƠNG HIỆU CẦN CHÚ Ý TỚI LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ MỚI & ỨNG DỤNG TRONG TRUYỀN THÔNG
Đặc biệt là blockchain và AI trong truyền thông. Blockchain mang lại tính minh bạch và an ninh cao hơn, trong khi AI hỗ trợ phân tích dữ liệu và cá nhân hóa nội dung. Tuy nhiên, cả hai công nghệ này đều mang lại những thách thức về quyền riêng tư và đạo đức. Ông Vinh cho rằng việc kết hợp AI và Blockchain trong quản trị khủng hoảng, giúp dự đoán, phát hiện và giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả hơn.
THẾ GIỚI VUCA
Trong thế giới VUCA, mọi thứ trở nên mơ hồ, không chắc chắn và đa chiều. Sự biến động toàn cầu như dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, và đối đầu Đông-Tây đã tạo ra những thách thức lớn cho nghề truyền thông. Trong môi trường này, các cuộc khủng hoảng truyền thông có thể xuất phát từ sự thiếu chú ý hoặc hiểu nhầm giữa thương hiệu và công chúng. PR không chỉ là công cụ để giải quyết khủng hoảng mà còn là cách để dự đoán và xử lý vấn đề trước khi nó xảy ra.
TIẾN HÓA CỦA TRUYỀN THÔNG QUA CÁC THỜI KỲ
Thời kỳ Communication 1.0 (trước 1991) là khi tương tác chủ yếu diễn ra một chiều và nội dung truyền thông còn đơn kênh, giúp hạn chế phạm vi ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng do thông tin khó được lan rộng.
Thời Communication 2.0 (1991-2020) và 3.0 (từ 2020): tương tác trở nên đa chiều và nội dung được phân phối qua nhiều phương tiện, kênh và nền tảng khác nhau. Truyền thông hiện đại không chỉ yêu cầu phản ứng nhanh mà còn phải thể hiện được trách nhiệm và tính bền vững. Ông Nguyễn Đình Thành ví khủng hoảng truyền thông giống như một “đám cháy” với ba yếu tố chính cần kiểm soát: nguồn cháy, nhiệt độ và ôxy. Để xử lý khủng hoảng, cần tập trung vào những yếu tố này:
1. Nguồn cháy: Là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng. Việc giải quyết triệt để vấn đề từ nguồn sẽ giúp khống chế khủng hoảng một cách hiệu quả.
2. Nhiệt độ: Là mức độ quan tâm của công chúng đối với sự việc. Giảm nhiệt cho “đám cháy” này có thể được thực hiện bằng cách điều hướng sự chú ý của công chúng sang các chủ đề khác hoặc tạo dựng sự đồng cảm.
3. Ôxy: Tượng trưng cho các thông tin lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Việc cắt đứt nguồn ôxy bằng cách cung cấp thông tin chính xác và làm giảm sự quan tâm của truyền thông sẽ giúp khủng hoảng dần được kiểm soát.
Ông chia sẻ rằng, người trong ngành thường nói:”Cách tốt nhất để xử lý khủng hoảng là đừng để nó xảy ra bằng cách triển khai các hoạt động phòng chống từ sớm, nhưng nếu xảy ra thì nên “hạ cánh an toàn”. Xây dựng một thương hiệu nhân bản, tạo dựng mối quan hệ tốt với báo chí và triển khai truyền thông chủ động là các yếu tố then chốt để xử lý khủng hoảng hiệu quả.
Đây là hoạt động do Rio book tổ chức nhân dịp tái bản cuốn Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông của tác giả Lê Quốc Vinh.