Từ năm 1791, mầu đỏ đã đổi thành mầu sắc của chính trị. Mầu đỏ đã trở thành biểu tượng của Cách Mạng, trước tiên là Pháp, rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Làm thế nào mầu sắc này lại được dùng để từ giờ nhuộm mầu áo cho đảng Cộng Hòa bảo thủ ở Mỹ, đất nước mà mầu cờ đỏ thắm từ lâu được cho là biểu tượng của kẻ thù Xô Viết ?
Nhà sử học Michel Pastoureau* từng cho rằng « Bất kỳ mầu sắc nào cũng đều có hai mặt đối lập nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa ». Và mầu đỏ cũng vậy, không thể thoát khỏi nghịch lý này. Trong một hội nghị tại Geneve, ông từng giảng giải :
« Cơ đốc giáo thời Trung Cổ sắp xếp biểu tượng của mầu đỏ xung quanh bốn cực. Các giáo phụ của Giáo Hội phân biệt bốn mầu đỏ dựa trên hai tham chiếu : Lửa và Máu, với ý tưởng là có một ngọn lửa xấu xa và một ngọn lửa tốt lành, một giọt máu xấu và một giọt máu lành. Ngọn lửa tốt lành là từ tâm linh tốt, đó là thần khí của Đức Chúa Trời giáng xuống các tông đồ dưới dạng một lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngọn lửa ác, đó chính là những ngọn lửa của địa ngục. Giọt máu xấu là máu của tội ác, máu ô uế, máu đổ oan uổng. Và rồi còn có máu tốt, lẽ đương nhiên đó là máu của Chúa Giê-su trên cây thánh giá, máu của sự cứu thế và cứu rỗi ».
Máu của Chúa Giê-su trên thập tự giá, đó còn là máu của sự hy sinh. Chẳng còn chút nghi ngờ gì nữa, đấy chính là ý nghĩa chính trị đậm nét nhất của mầu đỏ trong lịch sử phương Tây : Sự hy sinh dũng cảm vì các giá trị, một tôn giáo, một đất nước.
Lẽ tự nhiên, mầu đỏ biểu tượng cho máu của những tín đồ công giáo tử vì đạo. Thập tự giá mầu đỏ trên nền mầu trắng của huyền thoại thánh Georges đang quật ngã một con rồng. Người lính cảnh vệ này của hoàng đề La Mã Diocletianus đã từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo. Cũng vì điều này mà ông bị giết chết ngày 23 tháng Tư năm 303. Cây thánh giá mầu đỏ của ông trở thành lá cờ hiệu cho cuộc thập tự chinh thứ nhất. Cuối thời kỳ Trung Cổ, lá cờ hiệu này được chấp nhận như là quốc kỳ của Anh, trước khi trở thành quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland năm 1606.
Lá cờ đỏ đi theo các cuộc cách mạng Pháp trong suốt thế kỷ XIX : 1830, 1848 và công xã Paris 1871, và biến thành lá cờ của những người vô sản nổi dậy. Một cách tiêu biểu, mầu đỏ sau này biểu thị cho cuộc Cách Mạng – đang được tiến hành hay đã hoàn thành. Mầu đỏ báo hiệu ngày lễ nhân loại và một tương lai sáng lạn. Cánh tả, rồi chủ nghĩa Mac-xít và chủ nghĩa cộng sản đều dùng mầu đỏ như là một tiêu chí. Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều lấy mầu đỏ như là mầu cờ quốc gia. Tại Bắc Kinh, điều này được thể hiện rõ trong ca khúc ca ngợi vinh danh Mao Trạch Đông : « Đông Phương hồng », để rồi sau này trở thành bài hát chính ca ngợi cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Chủ nghĩa thực dụng Mỹ
Vậy tại Mỹ, vì sao mầu đỏ lại là mầu biểu tượng cho đảng Cộng Hòa ? Liệu « những bang mầu đỏ » mà Grand Old Party có được trong những kỳ bầu cử có cùng một ý nghĩa với « vành đai đỏ » tức là những tòa thị chính do phe cộng sản lãnh đạo xung quanh Paris hay không ? Đương nhiên là « Không ».
Bởi vì khi chiến tranh lạnh kết thúc, các chính đảng Mỹ khó có thể mà tô điểm cho mình một sắc đỏ rực, thường được dùng ám chỉ đến kẻ thù Xô Viết. Cho đến tận những năm 1990, đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn còn được phân biệt bằng vật tổ động vật : Con lừa cho phe thứ nhất và Con voi cho đảng thứ hai.
Nhưng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2000, một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra. Trong cuộc kiện tụng gian lận phiếu bầu dai dẳng giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và đại diện đảng Dân Chủ Al Gore, chính các hãng truyền thông lớn đã quyết định chọn mầu cho hai chính đảng. Archie Tse, nhà đồ họa cho New York Times sau này có giải thích rằng « Tôi chọn mầu đỏ (red) cho đảng Cộng Hòa vì cả hai từ (red và republicain) đều bắt đầu bằng chữ cái “r”, như vậy đơn giản nhất ». Và thế là một cách ngẫu nhiên, trong vòng năm tuần chờ đợi quyết định của Tòa Án Tối Cao (7/11-12/12/2000), tất cả các hãng truyền thống đều đi theo ý tưởng này : « Mầu xanh Dân chủ » và « Mầu đỏ Cộng hòa ».
Vì sao đảng Cộng Hòa lại chấp nhận mầu đỏ ? Jean-Eric Branaa, giảng viên trường đại học Paris II Assas lưu ý : « Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ chưa có một truyền thống như vậy. Lịch sử nước Mỹ luôn có những biến động : Chính giới truyền thông đưa ra ý kiến đó và kể lại câu chuyện này. Người dân nghe theo. Họ cũng rất thực dụng : Nếu một nhóm tự xác định bản sắc của mình xung quanh một mầu như vậy, thì tại sao lại không ? Hơn nữa, ở bang Texas, trong những năm 1880, lá phiếu bầu cử của đảng Cộng Hòa cũng đã có mầu đỏ. Đây chỉ là một mã mầu, không có hàm ý gì khác, nhằm giúp một số ít những người Mỹ không biết đọc chữ.
Link bài: https://www.rfi.fr/…/20210730-mau-do-macxit-tu-tuong-trump