VỀ CHUYỆN TÁO QUÂN

“Thói đời cái yêu nhiều thì người ta càng hận nhiều. Càng mong đợi nhiều thì khi có điều gì xảy ra không như ý thì người ta lại càng thất vọng nhiều. Yêu nhiều thường dẫn đến ghen tuông lớn …” – Chia sẻ của chuyên gia truyền thông thương hiệu Nguyễn Đình Thành, một trong những khán giả trực tiếp theo dõi buổi ghi hình Táo Quân 2019.

“Thói đời cái yêu nhiều thì người ta càng hận nhiều. Càng mong đợi nhiều thì khi có điều gì xảy ra không như ý thì người ta lại càng thất vọng nhiều. Yêu nhiều thường dẫn đến ghen tuông lớn.

Có lẽ điều này đã xảy ra với Táo Quân năm 2019, khi chương trình này trở thành “nạn nhân” cho sự thành công của chính mình.

Có thể nói rằng không chương trình nào có rating cao như Táo Quân trong cả năm. Ngay cả trận chung kết các trận bóng tầm châu lục hay khu vực thì người ta cũng chỉ xem một lần. Trong khi đó, Táo Quân là chương trình được xem đi xem lại nhiều lần trên nhiều kênh, trong nhiều ngày tết và được xem bởi mọi tầng lớp dân cư lớn tuổi.

Chính vì vậy, tác động xã hội của chương trình này rất lớn. Với mức rating cao, đương nhiên Táo Quân cũng sẽ trở thành một cơ hội không thể bỏ qua được của các thương hiệu muốn quảng bá thông điệp của thương hiệu mình đến với người tiêu dùng.

Cũng không ngạc nhiên gì khi xem Táo Quân, người ta mong đợi ở đâu đó có các thương hiệu xuất hiện. Thế nhưng, điều đáng bàn là cách mà các thương hiệu xuất hiện. Trong một bộ phim, chẳng hạn như James Bond, người ta đếm được không dưới 30 thương hiệu được quảng cáo lồng ghép vào trong đó. Tuy nhiên, ít khi người ta thấy có sự phản đối nào ầm ĩ trên mạng về chuyện lồng ghép quảng cáo các thương hiệu.

Vấn đề là, khi trả tiền, thương hiệu cần phải được xuất hiện. Đặc biệt, khi xuất hiện phải mang một phong cách và cách thức phù hợp, không quá lố.

Ví dụ, người ta sẽ ít khi thấy nhân vật chính trong điệp viên 007 nói “Bia Heineken ngon quá!”. Thay vào đó, hình ảnh Heineken sẽ xuất hiện đâu đó trong cảnh các nhân vật đi vào quán bar. Thương hiệu du thuyền sẽ xuất hiện trong cảnh rượt đuổi, hoặc cảnh ăn chơi xa hoa trên biển. Còn thương hiệu sâmpanh sẽ xuất hiện trong bữa tiệc. Chính vì xuất hiện phù hợp và phong cách như thế nên các bộ phim không bị chỉ trích vì đã bán quảng cáo thái quá hoặc lộ liễu cho các nhãn hàng.

Trở lại chương trình táo Quân 2019, với mức rating cao kỷ lục và lặp đi lặp lại, thì việc các thương hiệu xuất hiện là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, các nhãn hàng chỉ nên xuất hiện bằng các câu slogan/logo của mình hoặc đồng phục nhân viên. Họ không nên nêu tên thương hiệu một cách quá rõ ràng. Kết quả sẽ trở thành mục tiêu của những sự chỉ trích ở trên mạng xã hội.

Chúng ta hiểu rằng các marketing manager bị sức ép rất lớn về chuyện phải có độ ROI cao. Chính vì thế, họ về tìm mọi cách để thương hiệu của mình xuất hiện nhiều nhất, to nhất và rõ ràng nhất. Như vậy, ít nhất là đạt được tiêu chí nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, khi đạt được tiêu chí này, vô hình chung họ đã không tính đến phản ứng ngược. Dù có được nhiều người nghe đến nhưng không tạo được cảm tình thì số lượng ấy có lẽ không phải là điều quan trọng nhất với một thương hiệu.

Theo Elite PR School, thương hiệu là cái hiệu được thương. Nghĩa là khi nghe đến tên của thương hiệu, phải gợi lên một tình cảm tích cực nào đó ở người dùng. Nếu không, thành công trước mắt khó có thể coi là chắc chắn.
Xuất hiện thô thì dở, nhưng cách mà thương hiệu sản xuất bóng đá Bách Hiền bỏ qua cơ hội đẩy mạnh sự xuất hiện của quả bóng Paledas sau khi Táo phát sóng thì lại hơi lãng phí.


Nói thêm về cảm xúc sau khi rời khán phòng Táo Quân 2019.

Tôi không dám post gì lên Facebook bởi nhà đài đã nhiều lần nhắc nhở rằng đây là một chương trình được ghi hình. Để đảm bảo trọn vẹn cảm xúc cho những người xem sau hoặc là đến tận đêm 30 mới được xem, khán giả không được tiết lộ các chi tiết hoặc nội dung của chương trình. Chính vì thế, dù có rất nhiều điều hay ho ở Táo quân trực tiếp, nhưng những người đi xem về cũng không dám chia sẻ.

Tôi có “may mắn” khi được xem chương trình cuối cùng, trong đó người ta bỏ hết các đoạn quảng cáo vụng về lộ liễu.

Cũng phải nói thêm với quý vị rằng ngồi trong phòng ghi hình trực tiếp, cảm giác cảm xúc sẽ rất khác ngồi trước màn hình tivi. Khi xem táo Quân 2019 ở trường quay, tôi thực sự có cảm giác như mình đang đi xem một vở kịch nói đậm chất kịch nói với những lời thoại dài hóm hỉnh, sâu sắc và phần diễn xuất của các diễn viên xuất sắc. Đó là giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ – nghệ sĩ ưu tú Chí Trung. Là nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, nghệ sĩ nhân dân Tự Long, là cây hài hóm hỉnh đất Hải Phòng Quang Thắng, cây hài Vân Dung.

Thực sự, có nhiều lúc ngay cả những người xem ở trình độ cao cũng phải bật cười hoặc suy nghĩ về những tình huống đặt ra trong vở táo Quân. Nếu nhìn táo Quân như một vở kịch nói dài 4 tiếng rưỡi thì thực sự toàn bộ đội ngũ đạo diễn, biên kịch, diễn viên, hậu đài đã làm một công việc khủng khiếp trong vòng chưa đến một tháng.

Nên nhìn Táo Quân như một chương trình giải trí vào dịp cuối năm chứ không nên nhìn nó như một chương trình xã luận hay một vở kịch dành cho giới tinh hoa. Nhiều người nhìn Táo Quân như là một sản phẩm dành cho giới tinh hoa, của giới tinh hoa, cần nói đến những vấn đề cao xa và theo những cách tinh tế nhất. Thế nên, nhìn từ góc độ đó thì người ta sẽ dễ thất vọng.

Nhưng nếu nhìn Táo Quân đúng vai trò như là một chương trình giải trí dành cho mọi giới và trên hết là giới bình dân thì tớ nghĩ rằng táo Quân 2019 đã đạt được mục tiêu này. Nó mang lại những tiếng cười. Nó tạo cảm giác cho người dân rằng những vấn đề bức bối và chưa giải quyết được của xã hội có nói được đến trên đài truyền hình quốc gia. Như vậy, các vấn đề này sẽ được những vị lãnh đạo Đảng. nhà nước và những người lãnh đạo khác ở tỉnh chú ý và ít nhất là để ý đến.

Nếu như có thể chỉ ra một vài hạt sạn trong các chương trình Táo Quân, thì có lẽ một điều làm cho tôi suy nghĩ nhất trong nhiều năm vừa qua chính là một số đoạn có những từ ngữ dung tục, cách hành xử lỗ mãng. Có những đoạn tấu hài chỉ hợp với người xem ở những lứa tuổi 16+.

Táo quân là một chương trình được chiếu trên đài truyền hình quốc gia vào nhiều khung giờ vàng trong ngày. Với nội dung và với những một số chủ đề mang tính 16+, 18+ như vậy có lẽ nhà đài nên phát sóng version standard dành cho đại bộ phận công chúng. Version 2 bản full trên 4 tiếng nên dành cho những người có trả tiền cho nhà đài. Như vậy sẽ đảm bảo được sự phù hợp với mọi lứa tuổi của chương trình giải trí ngày đầu năm.

Táo Quân năm nay cũng tỏ ra thiếu thế nhị đưa hình tượng của ông chủ hãng Trung Nguyên như một lời đàm tiếu ở trong chương trình. Doanh nhân là những người có nhiều đóng góp cho xã hội họ cũng có những cách thức hoạt động và hành động không nhất thiết phải giống với cách thông thường. Chính vì thế việc đưa hình tượng của một nhân vật như vậy lên để bôi xấu trên đài truyền hình quốc gia là một điều không nên.

Vài lời dông dài như vậy, hy vọng các bạn hãy nhìn Táo Quân với đúng giá trị của nó. Khi đó bạn sẽ thấy táo Quân không tệ đến vậy. Một chi tiết có thể nói thêm rằng, vé chợ đen của táo Quân lên đến 14 triệu một cặp. Đó là giá vé gấp đôi, thậm chí gấp ba buổi biểu diễn của những ca sĩ siêu sao tại Việt Nam. Hãy nhớ rằng, công chúng sẽ không bỏ ra từng đấy tiền để đi xem những điều vớ vẩn, kém hấp dẫn. Táo Quân có một sự mong đợi rất lớn và vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Chỉ có điều, từ người sản xuất đến nhà biên kịch hãy cố gắng bớt dung tục, chú ý đến đối tượng công chúng của chương trình. Như vậy, nhà đài sẽ góp phần tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh và nghiêm túc hơn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội nhiều hơn nữa.”