VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP LÀ SỰ CỘNG HƯỞNG GIỮA NHÂN CÁCH VÀ TÍNH CÁCH

Năm 2018, Comparably.com, một website chuyên theo dõi văn hoá công sở và lương bổng, vinh danh Costco – chuỗi siêu thị có trụ sở tại Issaquah, bang Washington, Hoa Kỳ, là công ty lớn có văn hoá doanh nghiệp nổi trội. Điều thú vị là, những người làm việc tại Costco có chung một nhận xét như sau: “Ở đây tôi không hề cảm thấy như là đang phải làm việc. Hầu hết đồng nghiệp của tôi đều yêu thích với công việc mỗi ngày, điều tạo ra một không khí làm việc cực kỳ hạnh phúc”.

Unilever có 4 năm liền được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, bởi đề cao tiêu chí cân bằng cuộc sống cho nhân viên. Nhân viên gặp áp lực hay stress vì vấn đề gia đình có thể làm việc ở nhà. Mỗi dịp nghỉ hè, công ty lại dành hẳn một không gian rộng làm sân chơi cho con cái của những người không tìm được người trông trẻ. Chiều tối, công ty tắt đèn và điều hoà để ép nhân viên về nhà nghỉ ngơi…

Một điều không thể phủ nhận là, một công ty có văn hoá doanh nghiệp lành mạnh thường có khả năng thu hút nhân lực tài giỏi, có nhiều khả năng thành công và thường được cộng đồng nhìn nhận như một hình mẫu phấn đấu. Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, nổi tiếng với văn hóa doanh nghiệp thân thiện với nhân viên. Điều độc đáo là họ cung cấp các đặc quyền như làm việc từ xa, thời gian linh hoạt, hoàn trả học phí, bữa trưa cho nhân viên miễn phí và bác sĩ tại chỗ. Tại trụ sở công ty ở Mountain View, California, công ty này cung cấp các dịch vụ tại chỗ như thay dầu, rửa xe, mát xa, các lớp thể dục và làm tóc. Văn hóa doanh nghiệp của Alphabet đã giúp nó liên tục giành được thứ hạng cao trong danh sách “100 công ty tốt nhất để làm việc” của tạp chí Fortune.

Thế thì, văn hoá doanh nghiệp là cái gì mà có thể tạo ra phép màu như vậy? Có khá nhiều cách định nghĩa về văn hoá doanh nghiệp, nhưng có lẽ tôi đồng cảm nhất với Investopedia, một trang tư vấn quản trị thuộc tập đoàn xuất bản Dotdash: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống những niềm tin và hành vi tác động vào cái cách ban lãnh đạo và nhân viên trong công ty tương tác với nhau hoặc xử lý các giao dịch kinh doanh bên ngoài”. Tuy vậy, tôi tin rằng nó vượt quá những quy ước ứng xử hay những quy định chi tiết về hình thức biểu hiện bên ngoài, như đồng phục, giờ làm việc, cách bố trí văn phòng làm việc, lợi ích của nhân viên, doanh thu, tuyển dụng, sự giao tiếp với khách hàng, cũng như nhiều khía cạnh khác nhau trong mọi hoạt động của một doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp lại càng không phải chỉ là những buổi văn nghệ, những trận đấu thể thao hay là hội hè, vui chơi. Văn hoá doanh nghiệp chắc chắn không phải chỉ là “cái áo” của một công ty.

Paul Goyette, Phó Chủ tịch Điều hành của Global Performance, vẽ ra 6 kiểu văn hoá doanh nghiệp. (1) Văn hoá trao quyền: Hình ảnh thu nhỏ của một nền văn hoá trao quyền là khi mọi cá nhân trong tổ chức của bạn cảm thấy hoàn toàn tham gia và tích cực tham gia vào sự thành công của doanh nghiệp; (2) Văn hoá an toàn: có nghĩa là doanh nghiệp cam kết bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc của mỗi cá nhân, bao gồm các quy định an toàn nhất định, yêu cầu các hành vi cụ thể và việc đào tạo liên tục để đảm bảo rằng mọi người đều có những thông tin cần thiết để thực hiện công việc của họ một cách an toàn; (3) Văn hoá lãnh đạo xuất sắc: Mỗi cá nhân cảm thấy tự tin rằng lãnh đạo luôn làm mọi thứ họ có thể để đạt được sự xuất sắc và liên tục cải thiện; (4) Văn hoá tập trung vào khách hàng: là tập trung tất cả hướng về người tiêu dùng, tư tưởng thấm nhuần trong toàn bộ tổ chức, bao gồm cả những người không có tương tác với khách hàng; (5) Văn hoá tập trung vào bán hàng: tạo động lực cơ bản để hỗ trợ các hoạt động tạo doanh thu; (6) Văn hoá sáng tạo: một nền văn hóa của sự đổi mới tập trung không chỉ đưa ra những ý tưởng mới, mà còn theo một quá trình khắt khe để đưa những ý tưởng đó thành hiện thực. Sự tập hợp các yếu tố này, với mức độ khác nhau của từng thành tố sẽ tạo ra những nền văn hoá doanh nghiệp đa dạng.

Tôi nhớ có đọc một bài trên tạp chí Forbes, đại ý nói rằng văn hoá doanh nghiệp không phải là tính cách của một công ty, mà là nhân cách của nó. Đây là một ý kiến rất thú vị. Tính cách là một loạt các phẩm chất và đặc điểm cá nhân của một con người, là thứ mà chúng ta có thể hữu ý xây dựng với một chủ đích rõ ràng, để tạo ra một hình ảnh mà chúng ta mong muốn thế giới nhìn nhận. Trong khi đó, nhân cách là một tập hợp các giá trị đạo đức và niềm tin xác định cách chúng ta cư xử với mọi người và cư xử với chính chúng ta. Nhân cách thuộc về bản ngã, là thứ tồn tại khách quan cho thế giới thấy chúng ta là ai. Bởi vậy, văn hoá doanh nghiệp là những tố chất trừu tượng, được hình thành ngay từ ngày đầu thành lập và bị ảnh hưởng bởi nhân cách của nhà sáng lập, rồi được bồi đắp hàng ngày qua quá trình phát triển, suy vong, tái thiết, rồi hưng thịnh của doanh nghiệp, trở thành những ứng xử và hành động từ trong tiềm thức của mỗi nhân viên.

Tuy nhiên, với tôi, văn hoá doanh nghiệp vừa phải là nhân cách (character), vừa phải là tính cách (personality) của một công ty, là sự cộng hưởng giữa hai yếu tố, trong đó, nhân cách là những giá trị nguyên bản làm nền tảng và tính cách là hệ giá trị được xây dựng để biểu đạt nhân cách. Một doanh nghiệp muốn thể hiện là người chống rác thải nhựa trước hết phải thực sự có ý thức bảo vệ môi trường và không làm tổn hại môi trường. Một doanh nghiệp muốn xây dựng văn hoá chia sẻ thì bản thân ban lãnh đạo phải cởi mở sẻ chia.

Một số nhà quản trị cho rằng, có thể xây dựng văn hoá doanh nghiệp thông qua việc xây dựng những quy ước ứng xử trong doanh nghiệp, như cách thức giao tiếp, văn hoá chào hỏi, nói chuyện, trao đổi công việc, văn hoá hội họp, đạo đức doanh nghiệp,… Điều này không sai, song chắc chắn chưa thể đầy đủ, nếu các quy ước đó không trở thành các phản xạ tự nhiên từ trong tiềm thức của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Ở Vietnam Airlines truyền tụng về câu chuyện của một nhân viên mặt đất Tân Sơn Nhất đồng cảm với người phụ nữ nghèo phải bay về Bắc chịu tang mẹ. Anh đã tìm mọi cách để người phụ nữ ấy được bay với giá rẻ trong hoàn cảnh mọi chuyến bay đã hết chỗ. Còn câu chuyện về người tiếp viên trưởng mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho đôi vợ chồng già ngoại quốc bay trong ngày kỷ niệm lễ cưới vàng, bằng bó hoa tự tay anh làm từ khăn giấy trên máy bay. Tất cả những điều đó không nằm trong quy định nào hết, nhưng được thấm đẫm trong mỗi con người từ văn hoá tận tâm của hãng Hàng không Quốc gia.

Văn hoá doanh nghiệp là tập hợp của các giá trị, nguyên tắc ứng xử, các tiêu chuẩn giao tiếp và niềm tin được chia sẻ giữa mọi thành viên trong một công ty. Nhưng, những định ước đó không thể biến thành văn hoá doanh nghiệp nếu chúng chỉ nằm trên những trang giấy A4, thậm chí những cuốn cẩm nang văn hoá doanh nghiệp được in ấn đẹp đẽ, hoặc trình bày ấn tượng trên trang web nội bộ. Nó phải được biến thành hành xử tự nhiên từ trong tiềm thức của mỗi con người trong doanh nghiệp, phải trở thành hành xử mỗi ngày mà người ta không cần bận tâm nó được quy định ra sao trong quy tắc ứng xử.

Nhiều người sẽ hỏi: Văn hoá doanh nghiệp sẽ ra sao nếu một ngày người sáng lập không còn nắm giữ vị trí điều hành? Một lẽ rất tự nhiên, văn hoá doanh nghiệp trước hết bị ảnh hưởng từ người lãnh đạo cao nhất, và rất có thể, mỗi thế hệ lãnh đạo lại có những thay đổi nhất định, tuỳ theo phong cách riêng của họ. Tuy nhiên, những sự thay đổi đó chỉ có thể là các tính cách của doanh nghiệp, chứ không thể là nhân cách đã được định hình từ thuở ban đầu. Những thay đổi đó, nếu đi ngược lại với hệ giá trị nguyên bản thì sẽ kìm hãm sự phát triển của văn hoá doanh nghiệp, nhưng nếu nó tương đồng với hệ nhân cách của công ty thì sẽ giúp văn hoá thăng hoa.

Lê Quốc Vinh
Chủ tịch & CEO
Le Group of Companies

P/S: Bài này đã được đăng trên báo Người Hà Nội, số đặc biệt 25+26+27, ra ngày 21/6/2019.

#HumanBranding
#CorporateCulture
#VănHoáDoanhNghiệp
#LeBros
#ElitePRSchool