TOP TREND VỀ DIGITAL MARKETING TRONG NĂM 2020

Công nghệ phát triển, thế giới digital marketing cũng liên tục thay đổi theo. Nếu hoạt động truyền thông của công ty bạn không “đuổi kịp” những xu hướng mới này, nhiều nguy cơ là bạn sẽ bị “tụt hậu” lại so với sự phát triển của thời đại.

Hãy cùng Elite PR School điểm qua một số top trend về digital marketing đang “lên ngôi” trong năm 2020.

SHOPPABLE POSTS VÀ SOCIAL COMMERCE – XU HƯỚNG THƯƠNG MẠI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Từ khi tính năng Instagram Checkout được ra mắt từ năm 2019, shoppable posts (tạm dịch: bài đăng mua sắm) trên mạng xã hội đang dần trở thành xu hướng của các nhà bán lẻ, đặc biệt là với các hãng thời trang. Việc tích hợp sử dụng các trang mạng như Instagram – một trang mạng xã hội chuyên về hình ảnh, sẽ giúp cho sản phẩm của một thương hiệu thời trang được xuất hiện với những hình ảnh vô cùng trực quan và thời thượng. Tiện lợi hơn hết, đính kèm cùng các hình ảnh thu hút đó là những nút tắt trên bài đăng để thực hiện thao tác mua bán sản phẩm đó ngay tức khắc trên ứng dụng.

Khái niệm social commerce (tạm dịch: thương mại trên mạng xã hội) để chỉ hành động người dùng mua sản phẩm trực tiếp thông qua bài đăng mua sắm (shoppable posts) hoặc quảng cáo (ads) trên mạng xã hội mà không hề phải rời khỏi trang chủ hoặc ứng dụng đang sử dụng. Mục tiêu của các nhà bán lẻ là để tối ưu hóa và tiết kiệm thời gian mua hàng. Chính vì vậy, việc mua và bán hàng trực tiếp thông qua mạng xã hội giúp giảm tỉ lệ bị bỏ qua các cơ hội bán hàng thuận lợi của các nhãn hàng. Ngoài Instagram, hiện nay Pinterest hay một số trang mạng khác cũng hỗ trợ tính năng cho các bài đăng mua sắm.

DIRECT MESSAGING – CẦU NỐI TRỰC TIẾP TỚI KHÁCH HÀNG

Thông qua các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Viber, Facebook Messenger, hoặc thông qua mục tin nhắn riêng ở các ứng dụng như Twitter hay Instagram, các nhãn hàng đang dần xây dựng được mối liên kết mạnh mẽ hơn với khách hàng của họ. Các trang mạng này cho phép sự tiện lợi và tức thì của tính năng direct messaging (tạm dịch: nhắn tin trực tiếp) – nơi các khách hàng vốn dĩ sẽ sử dụng để nói chuyện trực tiếp với bạn bè, thì giờ đây, họ cũng có thể trò chuyện thân thiện với nhãn hàng như khi nói chuyện với bạn bè vậy.

Các nhãn hàng nhận thấy việc nhắn tin trực tiếp với khách hàng là một cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ, dù là để ghi nhận đơn order, thu thập feedback từ khách hàng, hay thậm chí chỉ là để trò chuyện với khách hàng của mình. Đặc biệt hơn, khi chính khách hàng là người có khả năng chủ động nhắn tin trực tiếp cho bạn, điều đó có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc bạn nhắn tin và tiếp cận khách hàng trước. Chính vì vậy, việc tạo các CTAs (Call-to-actions: lời kêu gọi hành động) và khuyến khích khách hàng chủ động nhắn tin cho nhãn hàng khi cần sự trợ giúp là một điều đáng lưu ý để tối ưu hóa việc sử dụng tính năng nhắn tin trực tiếp trên các trang mạng xã hội.

MICRO-INFLUENCERS – NHỎ NHƯNG CÓ VÕ!

Influencer marketing vẫn đang là digital marketing trend khá “hot” trong vài năm trở lại đây. Sự ảnh hưởng của người nổi tiếng đã đem lại những hiệu ứng tốt về marketing và tiếng nói tích cực cho thương hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, influencer marketing đôi khi lại là “thú chơi” “xa xỉ” và “tốn tiền”, tưởng chừng như chỉ dành cho các ông lớn trong ngành. Hơn thế nữa, đối với các SME, việc tối ưu hóa ngân sách marketing là một điều vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, các nhãn hàng nên biết đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào mới là đúng để vẫn tiết kiệm mà lại hiệu quả nhất. Micro-influencers chính là một trong những lựa chọn đó.

Các micro-influencers dù có lượng người theo dõi không quá lớn nhưng họ lại có khả năng giữ được lượng tương tác tốt và đều đặn hơn so với những người nổi tiếng. Họ dành nhiều thời gian đầu tư để tiếp cận gần hơn và sâu sắc hơn tới những người theo dõi của họ. Hơn thế nữa, micro-influencers sẽ có lượng người theo dõi là một tệp khách hàng khá rõ ràng, với một mối quan tâm khá cụ thể. Khi chọn được đúng micro-influencers, các công ty sẽ dễ dàng “đánh trúng” vào các khách hàng tiềm năng nhất và cũng là các đối tượng quan tâm trực tiếp nhất đến sản phẩm của nhãn hàng.

“LÀM MỚI” EMAIL MARKETING – ĐẸP HƠN VÀ TƯƠNG TÁC TỐT HƠN

Email vẫn đang là một trong những công cụ marketing được các nhãn hàng ưa chuộng. Song, các nhà nghiên cứu quan sát thấy có sự giảm nhẹ trong mức độ hiệu quả của công cụ này.

Gần đây, digital marketers đang cố “làm mới” email marketing. Thư được gửi đến cho khách hàng nay còn được các nhãn hàng thiết kế với diện mạo lung linh, cùng cách hình ảnh trực quan, rõ ràng, kèm các nút bấm dẫn link trực tiếp hoặc các yếu tố tương tác thú vị khác với nhãn hàng. Những email được thiết kế cẩn thận và “mãn nhãn” này không chỉ tạo được ấn tượng mạnh cho khách hàng, mà còn làm tăng tỷ lệ chuyển đổi của email marketing. Điều này cho thấy xu hướng rằng những hình ảnh trực quan trên email đang có hiệu quả và thu hút hơn những text với nền trắng đơn giản như email truyền thống.

làm mới email marketing: đẹp hơn và tương tác tốt hơn

PHÂN TÍCH TÂM LÝ KHÁCH HÀNG TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Việc phân tích tình cảm và tâm lý khách hàng vẫn luôn là điều trăn trở muôn thuở của các nhãn hàng trong công cuộc chinh phục các đối tượng mục tiêu của mình. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc lắng nghe khách hàng đang trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.

Khái niệm sentiment analysis (tạm dịch: phân tích tâm lý khách hàng) hoặc social listening (tạm dịch: lắng nghe cộng đồng mạng) là những khái niệm mới, để chỉ những công cụ để lắng nghe, theo dõi và phân tích phản ứng của người dùng trên mạng xã hội đối với nhãn hàng. Trên thực tế, những reviews và feedbacks trên mạng thường sẽ không rõ ràng là thích hay không thích. Khách hàng cũng sẽ còn bình luận và để lại những nhận xét về sản phẩm của nhãn hàng trên nhiều khía cạnh.

Chính vì vậy, sentiment analysis xuất hiện với tính năng thu thập các dữ liệu về phản hồi của khách hàng trên mạng để từ đó phân tích và đưa ra đánh giá cho nhãn hàng. Công nghệ này còn có khả năng đọc và hiểu ý nghĩa của các từ lóng hay các biểu tượng cảm xúc kèm theo. Những dữ liệu này có thể sử dụng được cho các bộ phận khác nhau trong công ty như bộ phận sales, marketing,… 

Lược dịch bởi Elite PR School.

Nguồn: 99designs.com