SỰ THẬT VỀ MARKETING QUA “CÂU CHUYỆN LEGO” – THƯƠNG HIỆU ĐỒ CHƠI ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT

Bất kỳ ai cũng có thể cầm những khối Lego lên và để cho trí tưởng tượng của họ bay xa. Ai cũng có những “câu chuyện Lego” của riêng mình. Có thể nói, yếu tố góp phần không nhỏ vào thành công của Lego chính là chiến lược marketing.

Hãy cùng Elite PR School khám phá cách Lego tạo ra câu chuyện thương hiệu của mình nhé!

MARKETING – CỐT LÕI CỦA CÁC SẢN PHẨM LEGO

“Trong nhiều công ty, CMO chỉ làm về marketing. Với tôi, đó thực sự chỉ là một phần nhỏ của công việc. Công việc mà đội ngũ của tôi làm là toàn bộ các phần việc như hồ sơ sản phẩm, trải nghiệm sản phẩm, truyền thông, nội dung, các kênh truyền thông xã hội. Vì vậy, marketing chính là cốt lõi của những gì chúng tôi đưa ra ngoài thị trường”, Julia Goldin – Giám đốc tiếp thị của Lego chia sẻ.

Bà Julia Golden cũng khẳng định rằng marketing là một phần trung tâm trong hệ thống vận hành của công ty thuộc sở hữu tư nhân này. Vì vậy, thành công của Lego cũng phụ thuộc nhiều vào mảng marketing.

CÁCH KỂ “CÂU CHUYỆN LEGO” ĐỘC ĐÁO

Nhãn hàng tạo ra một “Câu chuyện Lego” để kể với khách hàng của mình. Cái tên Lego đến từ “Leg godt” – một cụm từ trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là “chơi hay”. Toàn bộ thương hiệu Lego nổi tiếng thế giới ngày nay từng được tạo nên chỉ bởi một “nền tảng” đơn giản là một khối lắp ghép bằng nhựa dài 31,8mm và rộng 15,8mm. Những khối ghép hình Lego được tạo ra tại nhà máy Lego ở Billund, Đan Mạch, với những cỗ máy được vận hành tự động. Người hâm mộ thương hiệu đồ chơi này có thể trải nghiệm một chuyến tham quan nhà máy, nhà xưởng ban đầu của nhà sáng lập Kristiansen, cũng như chơi Lego cùng những nhà thiết kế của hãng.

Bà Julia Goldin kể: “Mỗi khi tôi gặp ai đó và nói với họ rằng tôi làm việc ở Lego, tôi đều nhận lại một nụ cười tươi, vì họ đều có một câu chuyện riêng để kể. Họ nhớ về bộ Lego đầu tiên của mình, lần đầu trao nó cho con em, hoặc một thành quả gì đó mà họ đã tự tay làm ra”. “Câu chuyện Lego” còn là các câu chuyện được kể và tiếp nối bởi các khách hàng trung thành của họ.

GẮN LIỀN HOẠT ĐỘNG CÔNG TY VỚI SỨ MỆNH THƯƠNG HIỆU

Sứ mệnh của Lego là “truyền cảm hứng và phát triển những nhà sáng tạo của tương lai”. 

“Lego là một công ty được định hướng bởi sứ mệnh. Sứ mệnh của chúng tôi luôn rất rõ ràng, đó là truyền cảm hứng và phát triển những ‘nhà xây dựng’ của tương lai, để tiếp cận được nhiều trẻ em hơn. Chúng tôi luôn dốc hết sức mình vì điều đó”, Goldin nói với CNBC.

Nhưng mục đích của họ không chỉ là bán được nhiều đồ chơi Lego cho nhiều trẻ em hơn. Công ty cho biết, cốt lõi của trò chơi Lego là giáo dục và sáng tạo. “Nó nhấn mạnh vào việc hợp tác, việc giải quyết vấn đề. Nó trui rèn những kỹ năng giúp người chơi trở nên mạnh mẽ hơn và thành công hơn trong cuộc sống. Chúng tôi tin rằng mình đóng một vai trò lớn trong sự phát triển của trẻ em”, Goldin chia sẻ.

Sứ mệnh của Lego còn tạo ra một văn hóa nội bộ và một thông điệp đối ngoại mạnh mẽ. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2032 sẽ tiếp cận được 300 triệu trẻ em. Đây là điều mà tất cả nhân viên làm việc tại Lego đều hiểu rõ”, Peter Kim, Phó chủ tịch phụ trách Gắn kết người tiêu dùng kỹ thuật số của Lego cho biết.

VƯỢT QUA KHỎI GIỚI HẠN CỦA NHỮNG KHỐI ĐỒ CHƠI

Kể từ năm 2004, hơn cả việc tạo ra các khối đồ chơi ghép hình, Lego tạo ra một loạt phim (The Lego Movie, Lego Star Wars, Batman, Lego Ninjago), video game và kênh YouTube riêng với 5 triệu lượt người theo dõi, cùng vô số các trang của người hâm mộ Lego.

Đặc biệt, những nội dung do người dùng tạo ra đã mang đến giá trị lớn cho Lego. Chẳng hạn như trang YouTube “Beyond The Brick” của 2 anh em Joshua và John Hanlon. “Dù ở độ tuổi nào, trình độ nào, bất kỳ ai cũng có thể cầm những khối Lego lên và để cho trí tưởng tượng của họ bay xa. Lego gắn kết mọi người ở mọi độ tuổi trong một niềm vui lành mạnh và phi điện tử”, John Hanlon nói.

Những người trưởng thành là đối tượng khán giả quan trọng của Lego (họ được gọi là AFOL: Adult fans of Lego). Chương trình truyền hình “Lego Masters” được chiếu tại Anh nhằm tìm kiếm người chơi Lego giỏi nhất, mỗi tập đã thu hút được hơn 2 triệu lượt xem. Mọi người không chỉ vào bình luận trên mạng xã hội, họ còn đến cửa hàng mua hàng vì muốn “xây” Lego.

Bên cạnh việc thúc đẩy sự sáng tạo của người chơi, Lego còn kết hợp với nhiều công ty khác để quảng bá và bảo vệ thương hiệu của mình, như kết hợp với Warner Brothers trong phim Lego Batman và với Disney trong chuỗi phim Star Wars.

Không dừng lại ở đó, Lego còn tạo ra 8 công viên chủ đề Legoland, vừa khai trương Lego House (sân chơi với 25 triệu khối ghép hình) ở Đan Mạch hồi tháng 9/2017. Nó bao gồm nhiều khu vực đa màu sắc nhằm giáo dục trẻ em các “năng lực cốt lõi”: phát triển kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề, phát triển cảm xúc và sự sáng tạo.

Cộng đồng trực tuyến Lego Life dành cho trẻ em đã có 6 triệu thành viên. Đây là nơi để các nhà sáng tạo nhí đăng tải hình ảnh của những tác phẩm Lego do chính tay mình tạo ra. Còn dòng sản phẩm Lego Boost ra mắt vào tháng 8 năm 2017 đã tạo điều kiện cho trẻ em 7 tuổi đính đồ chơi Lego vào các cảm biến để chúng trở thành robot, có thể cử động hoặc thậm chí nói chuyện.

THAY ĐỔI ĐỂ ĐÁP ỨNG CÁC NHU CẦU TƯƠNG LAI

Lego đang dần thay đổi để đáp ứng các nhu cầu của tương lai, thông qua việc thúc đẩy tốc độ vận hành nhanh hơn, cụ thể, là trao cho đội ngũ nhân viên “nhiều quyền hơn để ra quyết định, để hành động nhanh hơn và sáng tạo hơn”.

Bên cạnh đó, Lego cũng không ngừng tìm kiếm những thị trường mới. Hãng chứng kiến “sự tăng trưởng mạnh mẽ” ở thị trường Trung Quốc và đã công bố sự hợp tác với Tencent hồi tháng 1 năm 2018.

Tìm ra được mong muốn của trẻ em và cha mẹ chúng chính là bí quyết thành công của Lego. Bà Julia Goldin nhận định, bí quyết của Lego nằm ở sự mới lạ.

Nguồn: Cafebiz.vn

Đừng quên theo dõi fanpage của Elite PR School để được cập nhật thông tin mới nhất trong ngành Marcom và các khóa học về Branding, Marcom, CSR, Copywriting, Personal branding của Elite PR School nhé.