Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói về Content marketing ra đời tại Việt Nam từ bao giờ, nhưng nếu coi báo chí là một sản phẩm tiêu dùng thì việc người sản xuất (toà báo) quan tâm đến sản phẩm và cách giới thiệu sản phẩm của mình mang lại điều gì cho người sử dụng chính là biểu hiện sơ khai nhất của Content marketing.
Gia Định Báo – tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1865. Đến ngày 16/09/1869, quyền thống đốc Nam kỳ Ohier bổ nhiệm cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Tờ báo được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp, được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; “phần khác không chính thức, sẽ gồm những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự… để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến…” (Lê Nguyễn – Xã hội VN thời Pháp thuộc, trang 84 NXB VHTT). “Bổ ích và vui”, “Đề tài”, “sự kiện”, “khiến công chúng quan tâm đến” chính là những yêu cầu về nội dung và hình thức thể hiện để sản phẩm mang lại những lợi ích thực sự cho người đọc. Sự phát triển như vũ bão sau đó của báo (chủ yếu là tạp chí) đã cho thấy nội dung thực sự đã được các chủ bút (nhà sản xuất nội dung) quan tâm và chuyên biệt hoá. Từ năm 1918 đã có Nữ Giới Chung, những năm 30 có Phụ nữ Tân văn, Trong Khuê Phòng. Báo công – thương, đầu tư như Nông cổ Mín đàm, Sài Gòn Kinh tế tuần báo; báo dành cho thiếu nhi như Nhi đồng tạp chí, Thanh Nghị Nhi Đồng; Báo chí văn nghệ như Văn học tạp chí, Tiểu thuyết thứ 7; Báo Khoa học,… nối đến hàng trăm báo và tạp chí như hiện nay trên đầy đủ các hình thức như báo mạng, báo giấy, báo hình, báo tiếng, video trên báo điện tử, báo liên thông với mạng xã hội, smart handset app,… với nội dung bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội. Nội dung giờ đây cũng không chỉ do phóng viên sản xuất mà có sự liên thông, tương tác rất nhi từ phía độc giả và mạng xã hội.
Một trong các đặc điểm của Content marketing là dùng một chủ đề mà người tiêu dùng quan tâm hoặc trân trọng để kéo họ đến với nhãn hàng và ủng hộ nhãn hàng. Nhìn dưới góc độ này, có thể kể đến chiến dịch (tạm đặt tên) “Ta về ta tắm ao ta” của nhà đại tư sản Bạch Thái Bưởi năm 1909. Đây là năm Bạch Thái Bưởi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ – vốn gần như là độc quyền của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ. Chiến lược cạnh tranh của người Hoa đã áp dụng ở đây là giá luôn luôn rẻ hơn giá vé của Bạch Thái Bưởi. Bạch Thái Bưởi đã đưa lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng Việt thành Unique Selling Point khi đưa câu chuyện kinh doanh của ông tới người tiêu dùng như một sự nỗ lực của người Việt để lấy lại ngành kinh doanh vận tải đường thuỷ từ tay người nước ngoài. Song song với tuyên truyền, ông khuyến khích người tiêu dùng hành động (Call To Action) bằng cách để một hộp ủng hộ tiền ở trên tàu. Người nào ủng hộ Bạch Thái Bưởi kinh doanh vận tải đường thuỷ, ủng hộ một doanh nhân có lòng tự tôn dân tộc, thì bỏ tiền vào đó. Kết quả là hãng tàu của ông không những không phá sản mà còn phát triển mạnh mẽ, thôn tính cả các hãng tàu của người Hoa, người Pháp. Năm 1915, ông mua lại xưởng đóng và sửa chữa tàu của người Pháp.
#Elite_PR_School