Làn sóng bất an của người tiêu dùng càng dâng cao khi Masan đưa ra phản hồi về vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản: “Chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam.”
Sau một thập kỷ “kích” tăng trưởng bằng marketing dựa trên nỗi sợ hãi, với sự cố vừa qua, có lẽ đây là lần đầu tiên Masan phải giải quyết nỗi sợ hãi một cách bị động nhất.
Chiêu trò marketing dựa trên nỗi sợ hãi không mới, nhưng chưa bao giờ cũ trong một môi trường thiếu hụt niềm tin vào thực phẩm như ở Việt Nam. Masan được biết đến như là “bậc thầy” về việc triển khai chiến lược này.
– Cuối thập niên trước, việc đưa ra những thí nghiệm so sánh về hai loại nước mắm có cặn và không có cặn đã đưa nước mắm Nam Ngư, Chinsu của Masan thống lĩnh thị trường với 60% thị phần.
– Khi người tiêu dùng hoang mang với nước tương chứa chất có thể gây ung thư, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan đã lập tức ném phao cứu sinh bằng sản phẩm Nước tương Tam Thái Tử.
Tiếp đó, các sản phẩm mì gói cũng sử dụng các thủ thuật đánh thẳng vào nỗi lo sức khỏe của người tiêu dùng. Với thông điệp quảng cáo: Không dùng dầu chiên nhiều lần, hay Mì khoai tây không gây nóng, đã một bước đưa ngành hàng này của Masan sở hữu thị phần ở Top trên.
Kiên định với chiến lược đưa các loại nước chấm, mì gói và đồ gia vị lên bếp ăn của mọi gia đình Việt, Masan và đội ngũ các chuyên gia hùng hậu của mình đã biến một hãng nước tương ít người biết tới năm 2002 – trở thành một trong những đế chế tiêu dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh năng lực kinh doanh vượt trội, ông chủ của hãng Masan cũng để lại những tranh cãi về cách thức sử dụng truyền thông, các cách thức marketing chưa từng có.
Rõ ràng, tâm lý đám đông và mối quan tâm đến sức khỏe đã làm cho chiêu bài truyền thông dựa vào nỗi sợ hãi của Masan luôn hiệu nghiệm trong một thâp kỷ qua.
Tuy nhiên, trong thị trường tiêu dùng hiện tại, người mua đã thực sự tỉnh táo hơn, sự quan tâm đến thành phần sản phẩm cũng được nâng cao hơn thì chiến lược này thực sự đang đi đến thoái trào.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, với vụ việc lần này, có lẽ chiến lược marketing dựa trên nỗi sợ hãi sẽ không còn được áp dụng trong công thức tăng trưởng của doanh nghiệp này nữa.
Đọc thêm tại đây.