“Kai” có nghĩa là thay đổi và từ “Zen” có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”.
Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật. Kaizen của Toyota vốn là hệ thống được sinh ra tại nơi sản xuất nhưng đồng thời Kaizen cũng được xem là hệ thống đào tạo những con người biết suy nghĩ thông qua tạo ra những cơ hội để họ phát triển trí tuệ. Để một ai đó hành động, họ PHẢI là người đưa ra ý kiến. Khi tự mình đóng góp ý kiến, con người sẽ tự tin và biết “tự mình hành động” theo hướng tích cực. Vậy làm cách nào để người khác đóng góp ý kiến? Hãy cố tình làm khó họ một chút. Khi đối diện với khó khăn, con người sẽ buộc phải suy nghĩ để đưa ra phương án giải quyết.
Điển hình như cách mà ông Yoshida – kỹ sư trưởng tại Toyota “tạo ra” mẫu xe Soluna tại Thái Lan:
Trong các sản phẩm của Toyota, dòng xe Corolla là dòng xe thuộc mức giá thấp nhất trong các dòng xe, điều này cũng đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của các nhân viên. Vậy nhưng để đáp ứng nhu cầu của thị trường tại Thái Lan bấy giờ, họ cần 1 chiếc xe có giá bán thấp-hơn-nữa và điều này khiến toàn bộ nhân viên trở nên bế tắc và khó nghĩ khi không hiểu nếu sản xuất dòng xe dưới cả Corolla thì sẽ ra thứ gì. Và rồi ông Yoshida cố tình tạo ra một mẫu xe rất rẻ và cũng rất tồi tệ, đem tới cho mọi người cùng xem, để rồi khi nhìn chiếc xe “giẻ rách” ấy thì hàng loạt ý kiến mọi người được đưa ra như “Chỗ này không được”, “Tối thiểu chỗ này cũng phải được thế này”… Từ ý tưởng tồi tệ của ông Yoshida, mỗi người nghĩ thêm một chút, kết quả là mẫu xe Soluna ra đời.
Một trụ cột trong Kaizen theo phong cách Toyota chính là trí tuệ con người. Vai trò lớn nhất của người cấp trên là tạo môi trường để lôi những trí tuệ đó ra và gom chúng lại, xây dựng những phương án Kaizen tốt hơn. Tích lũy những Kaizen nhỏ sẽ cho ra những thành quả bất ngờ về sau.
Nguồn: Enternew.vn