Kể từ năm 1971, Bhutan, một quốc gia nhỏ bé quyết định loại bỏ chỉ số Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và thay thế bằng một chỉ số mới là GNH (Gross National Happiness – Tổng Hạnh phúc Quốc dân), rất nhiều chuyên gia kinh tế sững sờ. Bởi vì, không coi trọng giá trị kinh tế, Bhutan xem việc đảm bảo chất lượng đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đến nay, Bhutan vẫn kiên trì khảo sát chỉ số GNH 5 năm một lần.
Như một quốc gia thu nhỏ, doanh nghiệp là đơn vị có tổ chức, có phân quyền và có cả những phận người gắn với sự phát triển của nó. Để hình thành một doanh nghiệp hạnh phúc, trước tiên, phải có những người lao động hạnh phúc.
Theo ngài Tshering Tobgay – cựu Thủ tướng Bhutan, con người, dù có khác nhau về nhu cầu nhưng đều có điểm chung là sẽ hài lòng với cuộc sống khi thỏa mãn được 3 yếu tố: an toàn (safety), có bản sắc cá nhân (personality) và có mục đích sống (life goals). Nếu doanh nghiệp đáp ứng được 3 nhu cầu này thì niềm tin từ phía người lao động sẽ hình thành, dẫn theo đó là cam kết gắn bó lâu dài, cùng nhau xây dựng mục tiêu chung. “Khi đó, doanh nghiệp sẽ mặc nhiên có hiệu suất làm việc cao hơn, khả năng phát triển bền vững hơn”.
Trên thực tế, bài học từ thành công của Bhutan được thế giới nhìn nhận nhưng không nhiều quốc gia có thể ứng dụng mô hình tương tự. Bởi vì, hạnh phúc là khái niệm không có thước đo chung cho các dân tộc. Trong bối cảnh đời sống vật chất lên ngôi, ở tầm quốc gia, đích đến này đòi hỏi sự can đảm rất lớn từ những người điều hành. “Kinh tế vẫn là giá trị quan trọng. Trước khi có được một quốc gia hạnh phúc thì đất nước rất cần những doanh nghiệp hạnh phúc, nơi người lao động thực sự hài lòng với môi trường làm việc, nơi người chủ doanh nghiệp có thể đóng góp cho sự phát triển và bảo tồn các giá trị bền vững của môi trường, xã hội”, ngài Tshering Tobgay cho biết.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc góp phần bảo vệ sự bền vững của thế giới, bảo vệ màu xanh tự nhiên nhưng chưa biết tích hợp các giá trị ấy vào chính hoạt động của tổ chức mình đang vận hành. Cựu Thủ tướng Bhutan khẳng định: “Một quốc gia càng có nhiều doanh nghiệp hạnh phúc thì sẽ dễ dàng tiến đến mô hình quốc gia hạnh phúc”.
Một nghiên cứu do Công ty McKinsey thực hiện cho thấy, khi nhân viên cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với công việc sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng trải nghiệm cho khách hàng. Và điều này mang khách hàng gắn kết với doanh nghiệp lâu dài hơn, đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Nguồn: Nhipcaudautu.vn