CÁCH ĐÀO TẠO THẾ HỆ LÃNH ĐẠO KẾ CẬN CỦA HAI NHÀ SÁNG LẬP HONDA MOTOR

Ra đời ngay trong thế chiến thứ 2, Honda vẫn đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất động cơ dưới sự dẫn dắt của Soichiro Honda và Fujisawa Takeo. Nhưng ngoài những quyết định kinh doanh, câu chuyện về lộ trình lựa chọn người lãnh đạo kế cận của hai nhà sáng lập Honda cũng đáng để các doanh nghiệp thế hệ sau đúc rút bài học.

Tháng 10/1973, tin tức nóng nhất tại xứ sở mặt trời mọc là hai nhà sáng lập hãng xe Honda: Honda Soichiro (65 tuổi) và Fujisawa Takeo (61 tuổi) thông báo quyết định đồng nghỉ hưu. Điểm đáng nói trong quyết định này là việc tiếp quản quyền lực của ngài Honda lại không thuộc về 3 người con trai của ông. Thay vào đó, Honda cùng Fujisawa đồng thuận chuyển giao cho quyền điều hành cho một nhóm gồm 4 giám đốc cấp cao: Kiyoshi Kawashima (Tổng giám đốc nhà máy Saitama), Kihachiro Kawashima (Phó chủ tịch điều hành của American Honda), Nishida (Tổng giám đốc bộ phận nước ngoài) và Takao Shirai (Giám đốc trung tâm R&D).

Đây hoàn toàn không phải là quyết định vội vàng, điều này được hai nhà đồng sáng lập của Honda chuẩn bị cùng nhau từ nhiều năm trước đó. Soichiro Honda và Fujisawa Takeo đã làm cách nào để tìm ra những nhà lãnh đạo kế cận phù hợp nhất tại Honda? 

THẤT BẠI TRONG KÌ CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐIỀU HÀNH ĐẦU TIÊN

Thực chất, Soichiro Honda đã lần đầu tiên chuyển giao quyền điều hành cho Tadashi Kume và đội ngũ do chính ông tuyển chọn vào năm 1969. Tuy nhiên, với những nhà lãnh đạo mới, Honda Motor đã gây thất vọng khi mẫu ô tô H1300 vừa ra mắt đã bị coi là thảm họa từ thiết kế tới máy móc vận hành – thứ mà hãng này luôn tự hào.

Honda sau đó phải tuyên bố ngừng sản xuất do doanh số bán toàn cầu của chiếc H1300 là rất thấp. Soichiro đã nhận ra vấn đề ở đây không chỉ là thiết kế mà còn do hệ thống vận hành làm mát máy bằng hơi nước đã cũ kỹ. Soichiro lúc bấy giờ chỉ còn đóng vai trò một kĩ sư nên đã không thể kịp thời ngăn chặn vấn đề, Fujisawa đã ngay lập tức yêu cầu Soichiro suy nghĩ lại về vai trò của mình tại công ty. Kết quả, Soichiro nhận được sự ủng hộ của hội đồng quản trị và tạm thời quay lại ghế nóng, bãi nhiệm đội ngũ của Tadashi Kume.

ĐÀO TẠO THEO PHONG CÁCH FUJISAWA

Tháng 7 năm 1960, Fujisawa và Honda đồng thuận mở ra trung tâm nghiên cứu Honda Motor R&D tách biệt hoàn toàn với Honda Motor – một nơi chuyên nghiên cứu máy móc và phát hiện những tài năng trẻ trong ngành cơ khí & chế tạo máy. Những người được nhận vào đây đa phần là sinh viên ưu tú khắp cả xứ hoa anh đào, đặc biệt là từ đại học Tokyo.

Tại đây, Fujisawa tổ chức cuộc họp hằng tháng giữa những học trò của mình – các thành viên cấp cao của Honda Motor R&D. Ông luôn đưa ra một vấn đề cụ thể và nghe họ tranh luận. Khi nhớ lại khoảng thời gian đó, các thành viên cấp cao của Honda Motor R&D đã nhận ra rằng việc duy trì những cuộc tranh luận trong suốt một thập kỉ giống như một cơ hội để họ thể hiện bản thân cũng như nâng cao kĩ năng quan sát một vấn đề.

Lớp R&D của Fujisawa cho ra mắt 4 cái tên sáng giá: Kiyoshi Kawashima, Kihachiro, Nishida, Takao Shirai.

Mục tiêu của hoạt động này không chỉ dừng ở học tập giỏi về chuyên môn, điều mà Fujisawa cũng như Soichiro muốn là những người kế nghiệp sẽ phải thấu hiểu nhau như cái cách mà Fujisawa và Soichiro vốn duy trì nhiều năm trước đó. Takao Shirai đã kể lại trên trang Honda Global: “Chúng tôi dần hiểu về cách làm việc của hai nhà sáng lập. Họ như cặp tình nhân đang trong tuần trăng mật, đi đâu cũng có nhau. Đó có lẽ là lý do chỉ trong vòng 7 năm hai người họ đã đưa Honda Motor thành hãng chế tạo máy hàng đầu Nhật Bản. Họ muốn những nhà lãnh đạo tương lai cũng phải có những đức tính như họ đó là sự thấu hiểu và luôn biết cách đặt câu hỏi”.

Bốn người này sau đó đảm nhiệm các vai trò điều hành cấp cao tại Honda Motor dưới sự giám sát của cặp đôi Fujisawa và Soichiro.

THÀNH CÔNG CỦA THẾ HỆ HỌC TRÒ FUJISAWA

Tháng 4/1970, cuộc họp cổ đông của Honda Motor diễn ra, Soichiro và Fujisawa đồng thuận thành lập một hội đồng gọi là Big Broadroom bao gồm: 4 học trò của Fujisawa (đứng đầu là Kiyoshi Kawashima) lên nắm quyền tại Honda Motor. Ngoài ra, Soichiro và Fujisawa sẽ tham gia với vai trò cố vấn.

Người thầy Fujisawa sau đó đã nán lại và ân cần dặn dò 4 người học trò rằng: “Hãy sáng suốt trong những quyết định bởi điều đó ảnh hưởng tới tương lai của Honda. Nếu có khúc mắc gì, đừng ngần ngại, hãy tới tìm Soichiro và tôi”. Sự chuyển giao của Honda lần 2 chính thức hoàn tất.

Sự bổ nhiệm xuất phát từ kế hoạch đào tạo bài bản đã cho thấy hiệu quả. Kể từ năm 1970 Honda luôn là nhà sản xuất và phân phối xe máy lớn nhất trên thế giới. Năm 1971, Big Broadroom đưa Honda thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Nhật Bản. Năm 1972, Honda chính thức xâm nhập vào thị trường Mỹ, cạnh tranh với nhiều ông lớn hàng đầu ngành sản xuất máy. Năm 1982, Honda là tập đoàn nước ngoài đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ngay tại Mỹ, với mẫu xe Civic là hình ảnh thương hiệu cũng như có nhiều thế hệ mới nhất.

Sau này, khi kết thúc nhiệm kỳ ban điều hành 4 người, Kiyoshi Kawashima được chọn là chủ tịch tập đoàn Honda. Có thể thấy, điều quan trọng nhất với Honda là làm cách nào để công ty tồn tại lâu dài! Cách duy nhất là chọn đúng người đứng đầu, là người hiểu rõ doanh nghiệp và triết lý vận hành của doanh nghiệp. Truyền thống của Honda tiếp tục cho đến ngày nay và không có ai làm tổng giám đốc của Honda quá 10 năm. Hiện Honda đã tới đời CEO thứ 9, tất cả những con người này đều có một lý tưởng chung.

Đọc thêm bài báo tại đây: https://doanhnhanonline.com.vn/cau-chuyen-dao-tao-the-he-l…/
#docbaocungeliteprschool
#docbaomarcomcungban
#Elite_PR_School