Xuất phát từ nhà máy dệt vải sợi truyền thống chuyển qua sản xuất ô tô vào năm 1937, và mặc dù sống sót qua cuộc chiến tranh thế giới lần II, Toyota đã gặp không ít khó khăn về cạnh tranh trong gần 30 năm sau đó, nhưng rồi vươn lên mạnh mẽ và trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2016.
Đâu là nguyên nhân chính giúp Toyota đạt kỳ tích, gia nhập sân chơi toàn cầu với những ông lớn trong ngành sản xuất ô tô có lịch sử phát triển hàng trăm năm, hoặc có danh tiếng lẫy lừng như Ford, General Motor, Volkswagen, Chrysler, Daimler, BMW…?
Một trong những câu trả lời thuyết phục nhất đó chính là văn hóa Toyota, mà họ gọi là “Toyota Way”. Thực tế, Toyota đã chủ động đưa 14 nguyên tắc chiến lược, trong đó có đến 8 nguyên tắc về ứng xử văn hóa, chiếm gần 60% toàn bộ các chiến lược giá trị của công ty để tạo nên sự khác biệt và đẳng cấp so với thế giới.
Dưới đây là 8/14 nguyên tắc chiến lược của Toyota để bạn tham khảo trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp:
1. Nguyên tắc 1: Quyết định của thành viên Toyota phải dựa trên tầm nhìn dài hạn, ngay cả khi phải tốn kém chi phí ngắn hạn.
Thông điệp của Toyota rất nhất quán: hãy làm điều tốt cho công ty, cho nhân viên của công ty, cho kháchhàng, và cho xã hội nói chung. Triết lý này cũng là nhiệm vụ thúc đẩy tinh thần liên tục tìm tòi và cải tiến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cùng với dịch vụ tốt nhất. Ở Toyota, mục tiêu dài hạn luôn được xem xét thay cho mục tiêu ngắn hạn.
2. Nguyên tắc 5: Xây dựng văn hóa thu mua chuẩn để tránh rủi ro, đạt chất lượng ngay lần đầu.
Để bảo đảm nguyên vật liệu và linh liện đầu vào tuân thủ chất lượng tuyệt đối, tránh sự cố lỗi gây lãng phí và thiệt hay cho công ty về sau, Toyota đã đưa ra các yếu tố và tiêu chuẩn kỹ thuật đầu vào rất khắt khe và nghiêm ngặt. Chỉ một số ít nhà cung cấp uy tín và chất lượng mới ký được hợp đồng cung cấp dài hạn cho Toyota.
3. Nguyên tắc 9: Phát triển lãnh đạo hiểu rõ công việc, toàn tâm toàn ý với triết lý công ty và có thể hướng dẫn cho nhân viên đi sau.
Toyota không bao giờ chủ trương “cướp” chủ tịch hoặc CEO của các công ty khác. Thay vào đó, họ tìm kiếm các nhà lãnh đạo chủ chốt trong công ty từ các bộ phận như bán hàng, phát triển sản phẩm, sản xuất và thiết kế… Triết lý thăng chức cấp trung lên cấp cao hơn xuất phát từ niềm tin những người này hiểu rõ công việc và văn hóa của Toyota hơn ai hết. Và họ sẽ tiếp tục đào tạo cấp dưới theo Toyota Way một cách nhiệt tình.
4. Nguyên tắc 10: Phát triển những người tài ba phục vụ triết lý công ty
Sử dụng và hiểu rõ các thuyết động viên tích cực, Toyota đã vận dụng các thuyết động viên khác nhau để khích lệ và truyền cảm hứng cho nhân viên của họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
5. Nguyên tắc 11: Mở rộng mạng lưới đối tác và nhà cung cấp bằng cách đưa ra các thách thức và giúp họ cải tiến
Ban đầu Toyota luôn xem xét nhà cung cấp mới với sự thận trọng và đặt hàng rất ít. Tuy nhiên, một khi họ đã có được lòng tin của Toyota trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chi phí, chất lượng và giao hàng, Toyota sẽ chấp nhận họ và hướng họ theo cách của Toyota. Mối quan hệ với các nhà cung cấp thường dài hạn và hiếm khi có sự thay đổi, trừ khi nhà cung cấp mắc phải sai lầm tệ hại.
6. Nguyên tắc 12: Genchi Genbutsu – Tự mình đi và xem xét để hiểu rõ một vấn đề
Nghĩ và phát biểu dựa trên những thông tin và dữ liệu được tự mình kiểm chứng. Đi và tự mình chứng thực các thông tin khi mình là người chịu trách nhiệm cho các báo cáo và cung cấp thông tin cho người khác. Không nên tự suy diễn về những gì chỉ nghe được từ người khác nói, là một việc rất quan trọng. Khi có thể tự đi tìm hiểu thì sẽ hiểu thấu đáo vấn đề hơn.
7. Nguyên tắc 13: Ra quyết định CHẬM sau khi cân nhắc mọi khả năng và có sự đồng tâm của mọi người, sau đó thực hiện nó một cách NHANH CHÓNG.
5 yếu tố chính được xem xét trong quá trình ra quyết định theo Toyota Way:
– Tìm hiểu những gì đang thật sự xảy ra
– Hiểu các nguyên nhân của vấn đề và tự hỏi tại sao năm (05) lần
– Tính đến những giải pháp thay thế và chi tiết hóa giải pháp được lựa chọn
– Xây dựng sự đồng thuận của nhân viên, nhà cung cấp
– Sử dụng kênh thông tin hiệu quả để truyền đạt các bước từ 1 đến 4 ở trên
8. Nguyên tắc 14: Trở thành một tổ chức không ngừng học hỏi thông qua việc không ngừng suy nghĩ (Hansei) và không ngừng cải tiến (Kaizen)
Thiết lập một quy trình có sự giám sát và cải tiến liên tục. Khi đã thiết lập được một quy trình ổn định và chuẩn hóa, hãy sử dụng các công cụ cải tiến liên tục để tìm ra nguyên nhân sâu xa của việc kém hiệu quả và áp dụng phương pháp mới phù hợp nhất.
Bảo vệ chất xám bằng cách phát triển đội ngũ nhân viên ổn định, học hỏi liên tục. Đào tạo nhân viên trở thành những nhà lãnh đạo làm việc hiệu quả. Thăng chức cho nhân viên có thành tích tốt trong công ty.
Còn bạn, đâu là nguyên tắc chiến lược đưa công ty của bạn phát triển đến ngày hôm nay? Bạn đã biết cách đưa những nguyên tắc chiến lược ấy đến với toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty?
Có thể bạn đã có những câu trả lời cho riêng mình. Còn nếu chưa, mời bạn tham gia khóa học “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và hệ thống truyền thông nội bộ” tại Elite PR School.
*Nguồn tham khảo: Đẳng cấp của văn hóa doanh nghiệp – Đặng Thị Bích Nga, Võ Nguyên Khôi; The Toyota Way – Wikipedia