5 LỖI SAI CỦA CÁC SMES KHI TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG DIGITAL MARKETING

Bài toán khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là với nguồn ngân sách Marketing ít ỏi thì làm sao để kiếm được thật nhiều đơn hàng. Không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm để tận dụng và khai thác các kênh truyền thông (Owned Media, Earned Media, Paid Media) một cách triệt để và hiệu quả nhất.

Quá phụ thuộc vào công nghệ, bỏ quên những kênh truyền thống, thiếu tương tác với các bộ phận cùng doanh nghiệp,… Doanh nghiệp của bạn có đang mắc phải những lỗi sai này?

1. MARKETING CHỈ DỰA VÀO CÔNG CỤ


Nếu chỉ dùng công cụ, marketer sẽ bị thui chột rất lớn về khả năng sáng tạo. Hơn nữa, chi phí quảng cáo trở nên tốn kém vì liên tục phải duy trì trên các nền tảng mạng xã hội. Mỗi khi nhà cung cấp dịch vụ thay đổi thuật toán marketer lại phải tìm cách “chữa cháy” mới. Ví dụ rất phổ biến ở giai đoạn bán hàng Facebook mới nở rộ tại Việt Nam, người bán hàng trên facebook thường xuyên dùng công cụ tạo tài khoản giả và kết bạn (một tài khoản facebook kết bạn tối đa được 5.000 bạn bè). Nhưng hầu như thủ thuật này giờ đây đã không còn hiệu quả khi Facebook sau đó triển khai nhiều thuật toán hạn chế tài khoản ảo. Kết quả là, những người bán hàng này không thể tăng doanh số khi mạng xã hội thay đổi, và phải tìm kiếm nhiều công cụ khác để lách luật.

2. BỎ QUA EMAIL MARKETING

Mặc dù tỷ lệ nhấp cho email có thể thấp hơn các phương tiện khác, nhưng chúng có xu hướng tạo ra nhiều doanh số. Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức nghiên cứu tiếp thị của Mỹ MarketingSherpa thực hiện cho biết, 91% người trưởng thành tại Hoa Kỳ muốn nhận email quảng cáo từ các công ty đối tác kinh doanh. Trong số đó, 86% muốn nhận email hàng tháng và 61% muốn nhận hàng tuần.

Email cũng có thể giúp marketer hiểu khách hàng. Dữ liệu hành vi người dùng tương tác trên thư điện tử có thể đem đối chiếu với dữ liệu bán hàng trên website, hay các kênh offline, từ đó giúp doanh nghiệp phát hiện nhu cầu khách hàng. Email marketing không chỉ mở rộng đối tượng tiếp cận, mà còn góp phần chuyển đổi người dùng thành khách hàng, đồng thời duy trì độ nhận biết hay xây dựng thói quen tiêu dùng của khách hàng.

3. BỎ QUÊN UX

Marketer thường tập trung vào các kênh phân phối quảng cáo, nhằm truyền tải thông tin sản phẩm, cũng như hướng tới mục tiêu doanh số mà quên mất trải nghiệm người dùng.

Một ví dụ dễ thấy như, nhiều doanh nghiệp coi việc xây dựng website đã là một cách giải quyết vấn đề trải nghiệm người dùng rồi hoặc việc thiết kế trải nghiệm người dùng hoàn toàn phụ thuộc vào designer. Bộ phận marketing quá tập trung vào những hoạt động mang đến kết quả tức thì như quảng cáo google, SEO,… Vì những lý do này, UX thường có xu hướng bị các thương hiệu quên mất và bỏ qua. Tuy nhiên trải nghiệm người dùng bao gồm nhiều thứ hơn chỉ là việc có một website thông tin doanh nghiệp. Theo Adobe, 39% người dùng sẽ ngừng tương tác với trang web nếu hình ảnh không tải được hoặc tải quá lâu. Hay 38% người dùng sẽ ngừng tương tác với một trang web nếu nội dung/bố cục không hấp dẫn.

4. CHO RẰNG SEO ĐÃ CHẾT

Tiến sĩ Peter J. Meyers, chuyên gia marketing của công ty tư vấn giải pháp SEO – MOZ (Mỹ), chỉ ra rằng trong năm 2010, Google đã thực hiện 516 thay đổi thuật toán. Con số này đã tăng lên từ 1.653 vào năm 2016 tới 3.234 vào năm 2018 và vẫn đang tiếp tục tăng. Điều này có nghĩa là, kỹ thuật SEO ngày càng trở nên khó kiểm soát. Trong khi, SEO không đảm bảo 100% website của bạn sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, thì những phương pháp google ads, facebook ads ngay lập tức đảm bảo kết quả hiển thị. Bởi vậy, marketer có xu hướng lựa chọn Google Adwords, Facebook Ads và cho rằng “ SEO đã chết “.

Tuy nhiên SEO không hề chết, theo chuyên gia marketing Neil Patel (Mỹ), kỹ thuật SEO lỗi thời mới mới đang “chết”. Trọng tâm của xu hướng SEO hiện đại là ưu tiên trải nghiệm người dùng thay vì liên kết ngược (backlink) hoặc mật độ từ khóa (keywords). Google giờ đây sẽ xếp hạng cao những trang web có nhiều nội dung hữu ích, thời gian đọc của người dùng (time on sites) cao. Olay là một ví dụ điển hình về việc thích ứng theo sự thay đổi của thuật toán google. Năm 2017, Deloitte khảo sát và nhận thấy rằng, các nhà tiếp thị của Olay khám phá ra rằng, để tạo ra nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng, chìa khóa không phải là một quảng cáo chung chung. Họ quyết định thay đổi chiến lược nội dung các bài viết SEO, những bộ câu hỏi trả lời nhanh, hữu ích cho mọi người. Thay vì quảng bá sản phẩm trị thâm quầng mắt của mình, Olay quảng cáo những bài về thông tin và giải pháp cho các trường hợp thâm quầng mắt, sau đó điều hướng họ tới trang sản phẩm.

Kết quả là các bài viết về sản phẩm trị thâm quầng mắt ban đêm của Olay tăng 87% số lần nhấp, giảm 30% chi phí cho mỗi lần nhấp (CPC) và tăng 100% chuyển đổi ra đơn hàng.

5. ĐA KÊNH KHI CHƯA NẮM RÕ NGUỒN LỰC

Trên thực tế, đa kênh mang lại nhiều giá trị như độ nhận diện thương hiệu, tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng cao,… Tuy nhiên, cách làm này khiến doanh nghiệp cần thêm chi phí cho: ngân sách tiếp thị quảng cáo, nhân viên, mặt bằng, cơ sở vật chất, vận chuyển,… Tình trạng này diễn ra với khá nhiều cửa hàng, shop online và doanh nghiệp SMEs do không hiểu rõ được nguồn lực hiện tại của mình và điều gì mà doanh nghiệp đang cần. Nếu không có đánh giá kỹ lưỡng về đặc điểm của sản phẩm, lựa chọn kênh quảng cáo, doanh số có thể tăng nhưng chưa chắc lợi nhuận đã hơn trước. Theo ông Nguyễn Phúc Anh, giám đốc marketing chuỗi thẩm mỹ viện Venus: “Tùy theo các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, mới lựa chọn phát triển đa kênh hay không? Ví dụ, trong giai đoạn mới khởi tạo, doanh nghiệp nên tối ưu chi phí để tăng hiệu suất bán hàng trên một vài kênh mà mình có thế mạnh. Khi doanh nghiệp đi vào ổn định, mới có thể cân nhắc tới các kênh quảng cáo khác, nhằm thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu”.

Đọc thêm bài báo tại đây: https://doanhnhanonline.com.vn/5-sai-loi-thuong-thay-khi-t…/