Site icon Elite PR School

TỪ “GIẢM AN TÂY” ĐẾN NHỮNG CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO GÂY TRANH CÃI: BÀI HỌC ĐẮT GIÁ VỀ THƯƠNG HIỆU

Không chỉ Katinat, nhiều thương hiệu từng phải trả giá đắt vì quảng cáo hoặc hành động thiếu tinh tế của mình. Sự cố từ dòng chữ “giảm an tây” tiếp tục là minh chứng cho việc những trò đùa vô ý có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu.

Dòng chữ nhỏ, dư luận lớn

Ngày 18/11/2024, một khách hàng tại Katinat Diamond Residence (Hà Nội) nhận ly nước với ghi chú “giảm đường, giảm an tây” thay vì “giảm đường, giảm đá.” Sự liên hệ giữa cụm từ này và vụ việc của người mẫu An Tây đang bị điều tra ngay lập tức khiến dư luận phẫn nộ. Hành động này được xem là trò đùa kém duyên, đi ngược tinh thần chuyên nghiệp.

Trước áp lực dư luận, Katinat buộc phải xin lỗi và hành động cứng rắn với nhân viên vi phạm, đồng thời khẳng định đây là hành động cá nhân không phản ánh giá trị thương hiệu.

Những chiến dịch quảng cáo “chệch hướng” khác

Câu chuyện của Katinat không phải là lần đầu tiên một thương hiệu vướng vào tranh cãi vì thiếu nhạy cảm. Hãy cùng điểm lại những chiến dịch “gây bão” trong quá khứ:

Gloria Jean’s Coffees và khuyến mãi ‘phân biệt chiều cao’

Chương trình “Uống 1 tặng 1 cho phụ nữ cao trên 1m65” của Gloria Jean’s từng gây bức xúc vì bị xem là kỳ thị người có chiều cao khiêm tốn. Chiến dịch này nhanh chóng nhận “gạch đá” khi cộng đồng mạng cho rằng khuyến mãi như vậy là thiếu nhân văn và xúc phạm phần đông phụ nữ Việt Nam.

Diêm Thống Nhất và câu khẩu hiệu gây tranh cãi

Trên bao diêm truyền thống của Diêm Thống Nhất, dòng chữ “Cấm phụ nữ đoan trang” cùng hình ảnh phản cảm đã làm xấu đi hình ảnh một thương hiệu lâu đời. Mặc dù công ty lý giải rằng đây là nội dung từ đối tác quảng cáo, dư luận vẫn không chấp nhận sự thờ ơ của doanh nghiệp đối với cảm xúc của khách hàng.

Pano phản cảm ‘Cấm phụ nữ đoan trang’ tại Hải Phòng

Sự kiện âm nhạc “Vũ điệu đường cong” từng in đậm trên các pano quảng cáo dòng chữ “Cấm phụ nữ đoan trang,” gợi cảm giác cổ súy lối sống buông thả. Hậu quả là làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng, dẫn đến việc nhà tổ chức bị phạt nhưng vẫn cố tình sử dụng slogan này để kích thích sự tò mò.

Thực phẩm chức năng và slogan “Trạm xăng của đàn ông”

Quảng cáo thực phẩm chức năng Kim Thận Bảo của Công ty Nam Á cũng nằm trong danh sách các chiến dịch bị “ném đá.” Slogan của chiến dịch như “Trạm xăng của đàn ông” hay “Hạnh phúc vô biên của phái mạnh” bị chỉ trích phản cảm, thiếu đứng đắn. Công ty đã bị xử phạt hành chính 9,5 triệu đồng, nhưng những thông điệp quảng cáo tương tự vẫn xuất hiện tràn lan trên các tờ rơi và kênh truyền thông khác.

Những sự cố dưới đây có điểm chung: ban đầu thu hút sự chú ý, nhưng hậu quả là làn sóng tẩy chay kéo dài. Câu hỏi đặt ra là, liệu những chiến lược marketing dựa trên gây sốc, tranh cãi có thực sự hiệu quả, hay chỉ là một nước cờ thiếu cân nhắc, gây thiệt hại lâu dài cho thương hiệu?
Uy tín thương hiệu không chỉ được xây dựng qua chất lượng sản phẩm mà còn ở cách họ giao tiếp và tôn trọng cộng đồng. Đừng để những chiêu trò “gây sốc” đánh đổi niềm tin mà doanh nghiệp đã dày công vun đắp.
Nguồn: Tổng hợp
Exit mobile version