Site icon Elite PR School

QUẢNG CÁO MỚI CỦA NIKE GÂY PHẢN ỨNG Ở TRUNG QUỐC

Mới đây, Nike đã ra mắt quảng cáo với tựa đề “Winning Isn’t for Everyone” để chào mừng Thế vận hội Paris 2024. Đoạn quảng cáo có sự xuất hiện của các ngôi sao thể thao hàng đầu như LeBron James, Kobe Bryant, Serena Williams, Zheng Qinwen, Cristiano Ronaldo và Kylian Mbappe, với thông điệp tôn vinh tinh thần thể thao và khuyến khích mọi người vượt qua giới hạn của bản thân để đạt được thành công.
Tuy vậy, theo tờ South China Morning Post, quảng cáo này đã tạo ra làn sóng phản đối ở Trung Quốc với phân cảnh một nữ vận động viên bóng bàn liếm cây vợt của mình ở giây thứ 6. Đoạn video thu hút hơn 53 triệu lượt xem và hashtag “Nike promotional video licking table tennis paddle” (Quảng cáo liếm vợt bóng bàn của Nike) đã thu hút hơn 81 triệu lượt xem trên Sina Weibo.

Nhiều độc giả cho rằng hành động này không phù hợp và thiếu tôn trọng người xem. “Hành động này có mục đích gì? Thật sự nó không cần thiết trong video này.” Một người khác đề xuất: “Có nhiều cách để thể hiện tình yêu với thứ gì đó, chẳng hạn như chạm vào bằng tay, áp vào trán hay hôn lên nó.” Tuy nhiên, cũng có những ý kiến được đưa ra để bảo vệ nội dung này và cho rằng đây là hành động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu và khiêu khích đối thủ.
Sự cố này nằm trong một loạt những vấn đề mà các thương hiệu quốc tế nói chung và Nike nói riêng gặp phải vì sự nhạy cảm văn hóa. Vào năm 2021, Nike và H&M đã gặp phản ứng dữ dội ở Trung Quốc sau khi bày tỏ lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất bông tại Tân Cương. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc đã có động thái phủ nhận các cáo buộc này và nhiều người dân Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tẩy chay Nike và H&M. Cũng trong 2021, Mercedes-Benz bị người dân Trung Quốc chỉ trích về quảng cáo bị coi là phân biệt chủng tộc khi đưa đến hình ảnh của một người mẫu với cử chỉ “nheo mắt”, nhằm để thể hiện đôi mắt híp đặc trưng của đất nước này.
“Họa từ miệng mà ra. Đừng để chết vì cái thái độ!” – ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School đã chia sẻ về rủi ro và xử lý khủng hoảng trên không gian số thông qua trường hợp trước đây của Dolce Gabbana ở Trung Quốc.
Hãy cùng thảo luận sâu về nguyên nhân của khủng hoảng truyền thông cùng với Tam Đa Elite trong khóa học Xử lý khủng hoảng truyền thông khai giảng tháng 9 tới đây bạn nhé!
Nguồn: South China Morning Post
Exit mobile version