Truyền thông không chỉ là báo chí
Thế thì, cái PR-as-we-know-it ấy là cái gì? Tôi đồ chừng, những ông tổ của PR hiện đại như Ivy Lee hay Edward Bernays chưa bao giờ thực sự có ý nghĩ rằng báo chí là phương tiện duy nhất truyền tải thông tin đến với công chúng. Chẳng qua là, ở cái thời của họ, báo chí là những kênh truyền thông khả dụng duy nhất mà thôi. Nhưng, cái mô hình sử dụng thông tin, thông qua các kênh truyền thông trung gian, để thiết lập, củng cố và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tích cực với các đối tượng truyền thông, chưa và còn lâu mới sai.
Bất cứ một thực thể nào được sinh ra, rồi sẽ phải chết đi hoặc biến đổi để thích nghi với sự thay đổi và tiến hoá. Báo chí cũng vậy. Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của truyền hình, với các giải pháp truyền dẫn thô sơ qua dây cáp analog, đến truyền dẫn vệ tinh và rồi đường truyền internet không dây tốc độ cao… Nó không những tạo ra những hình thái truyền thông mới, mà còn thay đổi cả phương pháp làm nội dung, cách phân phối nội dung và mở ra thị trường mới. Và bây giờ thì họ đang phải cạnh tranh với YouTubers, TikTokers, Facebook streamers.
Báo in thì đang trải qua những biến động lớn, kể từ khi báo điện tử lấn lướt cùng với sự bùng nổ của internet giá rẻ. Đặc biệt là từ khi truyền thông xã hội ra đời, báo chí không chỉ phải cạnh tranh với tốc độ đưa tin của mạng xã hội, mà cả sức ảnh hưởng và sự liều mạng của những thể loại “báo chí cá nhân”. Các nền tảng truyền thông mới xuất hiện ngày càng nhiều và với tốc độ nhanh chóng mặt. Không chỉ có các mạng xã hội thông dụng như YouTube, Facebook, Twitter, Instagram…, giới trẻ nhanh chóng chuyển dịch sang Discourt, Reddit, TikTok và các nền tảng OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram cũng trở thành các kênh truyền thông được ưa chuộng. Chưa kể các website tổng hợp thông tin và các webblogs, dù không mạnh nhưng cũng chia sẻ thị phần không nhỏ.
Ngoài báo chí, giờ đây chúng ta có quá nhiều các nền tảng truyền thông trung gian, những “bên thứ ba” mới làm cái việc chuyển tải thông tin từ các cá nhân, tổ chức đến với đối tượng truyền thông của họ. Nhưng, vấn đề là, cơ chế căn bản của PR không thay đổi, vẫn là dùng ảnh hưởng của một “bên thứ ba” để truyền đạt thông tin của mình. Chỉ có điều, “bên thứ ba” đó đa dạng hơn rất nhiều, từ những tổ chức truyền thông chuyên nghiệp đến những cá nhân tạo dựng được ảnh hưởng đối với một nhóm công chúng nhất định, từ những tổ chức hay cá nhân sống bằng nghề sáng tạo nội dung đến những bên chỉ tình cờ biết cách sử dụng công cụ truyền thông số.
PR có còn cần không?
PR chẳng bao giờ chết. Nhưng xin đừng hiểu một cách máy móc và phiến diện rằng Public Relations là chỉ dùng báo chí, như một bên thứ ba, để truyền tải thông tin đến đối tượng công chúng. Relations – quan hệ – là sự kết nối, thấu hiểu, thông cảm, và yêu thích lẫn nhau, mà bất cứ một tổ chức, thương hiệu, sản phẩm hay cá nhân nào cũng cần có đối với công chúng của mình. Với tôi, PR là nghệ thuật xây dựng mối quan hệ chủ động và tốt đẹp với các đối tượng nhằm xây dựng và bảo vệ hình ảnh đúng đắn và tích cực của một cá nhân, tổ chức. Hôm qua, hôm nay và ngày mai cũng vẫn thế.
Phải nghĩ về PR hôm nay như thế nào?
Ngày nay, người ta có thể sử dụng internet, các nền tảng truyền thông mới, để tiếp cận trực tiếp đến đối tượng công chúng. Kiểu như dùng chiến thần Tik Tok bán hàng, hoặc tự livestream tự quảng cáo. Cái đó gọi là truyền thông first-party. Nhưng nếu không có các third-party, cho dù đó là cộng đồng mạng, cá nhân, hay cơ quan truyền thông, nói về sự kiện đó, bình phẩm, chê bai hay khen ngợi, thì cũng chẳng có hiệu ứng của Nguyễn Phương Hằng hay Bà Tân Vlog đâu.
Cái đáng nói là, vì người ta không hiểu đúng bản chất của PR, nên nhiều thương hiệu, doanh nghiệp, cá nhân, chỉ lạm dụng truyền thông mà quên mất rằng, cái cốt lõi vẫn là phải xây cho được mối quan hệ tử tế và bền vững với khách hàng, công chúng của mình, bằng hành vi, ứng xử của mình, bằng các chuỗi hành động có chủ đích, có kế hoạch, do người làm PR xây dựng và thực thi.
PR CHẲNG BAO GIỜ CHẾT. Cũng như nói quảng cáo thoái vị thì nó vẫn cứ tồn tại song song với nền kinh tế thị trường. PR đang tồn tại, cần thiết là đằng khác, chỉ có điều nó có những phương pháp mới, và tiến hoá, chứ không đứng dậm chân một chỗ đâu.
Nguồn: Lê Quốc Vinh – Chủ tịch công ty Le Bros, Đồng sáng lập Elite PR School
Hãy theo dõi Elite PR School để cập nhật các thông tin và kiến thức về truyền thông, thương hiệu các bạn nhé!