Làng marcom và sales tụ tập ở VinUni hai ngày cuối tuần vừa qua, đến với diễn đàn 2-trong-1 VSMCamp & CSMOSummit 2024, cùng nghe các chuyên gia, doanh nhân và người làm nghề bàn thảo về chiến lược “bền vững”, một từ khoá đang trở nên ngày càng phổ biến trên truyền thông và cả trên tất cả các diễn đàn kinh doanh.
Khi nói đến “phát triển bền vững”, hầu hết trong chúng ta nghĩ ngay đến ESG (Environment, Social, Governance), hoặc mô hình 3 C’s (Conservation, Community, Circular Economy). Cũng có người nói rằng, “phát triển bền vững” nghĩa là sự tổng hợp của Văn hoá doanh nghiệp + Đạo đức kinh doanh + Trách nhiệm xã hội. Tất cả những khái niệm đó không sai, nhưng chưa đủ. Phát triển bền vững phải dựa vào 5 trụ cột (Economic, Social, Environmental, Cultural, Security Aspects – kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá, an ninh). VSMCamp & CSMOSummit còn mở rộng hơn nữa, bàn đến tất cả những mối quan hệ bền vững với các bên liên quan, giữa con người với con người, giữa brand và audience, giữa doanh nghiệp với khách hàng, người tiêu dùng, cổ đông, giữa agency với client, và giữa con người với… AI (trí tuệ nhân tạo). VSMCamp & CSMOSummit 2024 còn bàn cả đến sự phát triển bền vững trong một gia đình, một gia tộc, là tế bào cho sự bền vững của doanh nghiệp, xã hội, đất nước.
Agenda của VSMCamp & CSMOSummit được thiết kế để dẫn dắt trải nghiệm người nghe từ các vấn đề mang tính vĩ mô trong buổi sáng đầu tiên, như thương hiệu quốc gia hướng tới giá trị bền vững, sự lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, đến marketing bền vững trong kỷ nguyên AI, và lựa chọn một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững là nông nghiệp, đến từng mảng “bền vững” cụ thể xuyên suốt qua 10 phiên thảo luận song song vào buổi chiều. Ngày thứ hai, dành cho quản trị doanh nghiệp cấp cao, đi tìm triết lý và giải pháp về phát triển bền vững, lật đi lật lại các nguyên tắc mang tính chiến lược – văn hoá và công nghệ.
1. Trong bài keynote mở đầu ngày 1 – VSMCamp, “Key Attitudes of European Ethical Consumers – Thái độ chính yếu của người tiêu dùng có đạo đức ở châu Âu”, ông Stephen Kreppel, chuyên gia về xây dựng thương hiệu quốc gia, CEO của The Nation Consultancy, chỉ rõ: Cơ hội lớn cho Việt Nam là tiếp cận trực tiếp đến khách hàng quốc tế có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xanh (green consumer) – hàm ý những sản phẩm có định hướng bền vững, thân thiện môi trường và có trách nhiệm. Hoàn toàn có thể coi đây như là một chiến lược thương hiệu quốc gia, để biến Việt Nam trở thành một nguồn cung ứng sản phẩm xanh cho thị trường thế giới. Nhưng muốn làm thế thì cần phải huy động sức mạnh tổng hợp từ nhiều sector (ngành nghề, khối doanh nghiệp) và phải là nỗ lực của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Stephan cần biết rằng, doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn rất sơ khai của chiến lược xanh, và nỗ lực tập thể (thậm chí theo lời khuyến nghị của ông là kể cả giữa các đối thủ với nhau) chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam.
2. Tiếp nối, anh Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn cấp cao, Tổng Giám đốc Điều hành Đông A Solutions, lý giải trong bài tham luận dẫn dắt “Vững bền để phát triển hay Phát triển nhưng vững bền: Chọn gì cho ta?”: Phát triển bền vững bây giờ không còn là sự lựa chọn, mà gần như là bắt buộc, chỉ có điều chúng ta lựa chọn làm như thế nào mà thôi. Theo anh Việt, có 2 con đường đi: Phát triển bền vững ngay từ đầu, bằng những bước đi thận trọng, đầu tư theo hướng bền vững; hoặc là phát triển mạnh về hoạt động kinh doanh nhưng điều chỉnh dần các mối quan hệ và dần dần tiếp thu các sáng kiến bền vững, tiến tới một tương lai tốt hơn.
3. Giáo sư Marc Kramer, Giảng viên chuyên ngành Khởi nghiệp, đồng Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, VinUni, thảo luận về “Tác động của AI đối với marketing bền vững – AI’s Impact on Sustainable Marketing: The Next 5 Years”, thì tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ cách mạng hóa các hoạt động tiếp thị bền vững. Bài thuyết trình của ông khám phá các xu hướng và hiểu biết chính về marketing bền vững, tập trung vào vai trò của AI trong việc thúc đẩy các sáng kiến thân thiện với môi trường và trải nghiệm được cá nhân hóa.
4. Phiên fireside chat – trò chuyện bên bếp lửa với chị Nguyễn Thị Thành Thực, Founder, Chủ tịch kiêm CEO Công ty AUTOAGRI, do tôi trực tiếp host bàn về “con đường phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt để chinh phục thị trường thế giới”. Chị Thành Thực, người tự nhận là “thương lái”, buôn bán hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành nhà phát triển phần mềm trong lĩnh vực nông nghiệp. Chị đưa ra một triết lý bền vững là phát triển thương hiệu cho chuỗi giá trị nông nghiệp, bằng giải pháp “quốc tế hoá ẩm thực Việt Nam”, mang ẩm thực làm đường dẫn để thế giới biết đến nông nghiệp Việt Nam.
5. Phiên thảo luận mở buổi sáng với 3 diễn giả: anh Trần Bằng Việt, ông Stephen Kreppel và anh Trần Tuấn Việt, CMO của F88, được dẫn dắt bởi Ms Huỳnh Xuân Liên, Phó Chủ tịch CSMO, Chủ tịch CAO Fine Jewellery. Các diễn giả thống nhất rằng phát triển bền vững với một chiến lược kinh doanh mang tính đạo đức là lựa chọn duy nhất đúng. Nhưng cũng phải nói thêm là, chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng triết lý bền vững đã chứng tỏ tính hiệu quả trong quá trình cạnh tranh quốc tế. Nó không còn đơn thuần là những hành động mang tính quảng bá thương hiệu, tẩy xanh, hào nhoáng bên ngoài.
Bài Recap từ ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, Đồng sáng lập Elite PR School.