Site icon Elite PR School

Khủng hoảng truyền thông do phát ngôn

Khủng hoảng truyền thông do phát ngôn _1

Chú Nguyễn Ánh 9 ơi: đừng buồn

Người xưa có câu: hoạ tự miệng mà ra, thế nên, người thông minh sắc sảo đến mấy mà không chú ý cũng có ngày “xơi” vạ miệng. Thực tế ở Việt Nam và trên thế giới không thiếu gì những ví dụ như thế. Và giới truyền thông hỉ hả, kẻ được bài học tốt, kẻ được nhiều view, khổ chủ/nạn nhân thì tùy trường hợp mà cười phớ lớ hoặc mua rổ về che hoặc ngậm ngùi nhìn nhiều số 0 bay hỏi tài khoản.

“Nạn nhân” gần nhất trong những ngày gần đây là ông nhạc sỹ già Nguyễn Ánh 9 – một người cả đời kín tiếng, nền nã, không phải là người thích gây sự chú ý. Thế nhưng, nổi tiếng luôn đi đôi với tai tiếng như một người em sinh đôi nghiệt ngã: Nguyễn Ánh 9 bị lôi vào một cuộc thị phi sau những lời nhận xét về nhiều giọng hát tên tuổi của Việt Nam. Cuộc thị phi không chỉ ném đá vào cái ao tù show biz, lan tràn trên báo mạng và kéo cả những tờ báo in vốn có tiếng nghiêm túc vào cuộc, mổ xẻ. Mấy vụ lùm xùm rồi cũng qua đi, ai cũng đau đớn 1 tí, nhưng rồi thời gian lại tẩy nỗi đau đi, chỉ còn lại những gì mà mỗi người làm được cho nhân thế.

Một “ca” nổi tiếng khác của làng giải trí – thời trang là John Galliano, nhà thiết kế quyền lực của Christian Dior. Trong một cơn say, Galliano đã có những lời nói khinh miệt người châu Á, ca tụng Hitler và xỉa xói người Do Thái. Kết quả thật nặng nề: tòa án phạt vì tội lăng nhục người khác, bị đuổi việc khỏi Christian Dior, mất những người bạn thân (và nhiều khách hàng) Do Thái là nữ diễn viên vừa đoạt giải Oscar 2011: Nathalie Portman.

Làng giải trí – truyền hình cũng ghi nhận 1 ca vạ miệng nổi như cồn với cái tên Paula Deen: một nhân vật truyền hình và đầu bếp nổi tiếng. Tháng 6 năm 2013 là một cơn ác mộng với bà này khi bà lỡ lời trong một cuộc nói chuyện và bị lên án là phân biệt chủng tộc với người da đen. Kết quả là cái tên Paula Deen bị gạch khỏi tên của một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất, mất nhiều hợp đồng xuất bản sách về ẩm thực.

Vạ miệng, vô tình hay cố ý, cũng làm giới doanh nhân phải đau đầu. Bà Thái Hương, người chủ quyền lực của TH Group, với thương hiệu TH True Milk không cần phải được quảng bá thêm nữa, đã tuyên bố : trong lĩnh vực sản xuất sữa tươi, TH true milk không có đối thủ. Chỉ một nửa câu nói xuất hiện trên báo chí: “TH true milk không có đối thủ”. Hiệp hội sữa lên tiếng phản đối, báo chí ném đá xối xả: Bà Thái Hương ngạo mạn. Với vị thế đã tạo dựng được trên thị thường, TH True Milk chẳng được gì từ việc này và các chỉ số ORM của TH true milk đỏ lòe trong nhiều ngày liền.

Các nhà chính trị kì cựu cũng chẳng thoát được vận đen này. 15/11/12, Thủ tướng Pháp, cựu giáo viên tiếng Đức, Jean-Marc Ayrault, công du tại Đức nhằm hâm nóng mối quan hệ giữa hai bên. Ấy thế mà, ông “chỉ” nhầm mỗi một chữ: thay vì nói “cuộc đối thoại đầy hiệu quả (fructueuse -fruchtbaren Austausch) giữa hai nước chúng ta” ông đã vô tình nói nhầm thành “cuộc đối thoại tệ khủng khiếp (effroyable -furchtbaren Austausch) giữa hai nước chúng ta”. Ông này cũng phải xin lỗi vì đã lỡ miệng gọi việc tài tử điện ảnh Gerard Depardieu bị nghi trốn thuế là “một việc làm ti tiện”. Nghiêm trọng hơn, phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thậm chí đã cho rằng Nhật Bản nên học phát xít Đức trong việc cải cách hiến pháp và sau đó ngày 1-8-13 đã rút lại lời nói này.

Một số lời khuyên:

Tóm lại, vạ miệng không trừ một ai nhưng có một lời khuyên là hãy chọn nơi để lỡ miệng, đặc biệt không nên lỡ miệng ở Bắc Hàn. Bằng chứng là Lee Choon Hong, một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở Bình Nhưỡng với tài bắt chước giọng người khác, đã lỡ mồm bình luận về chế độ hà khắc của đất nước này trong một buổi biểu diễn và ngay lập tức bị buộc phải đi lao động khổ sai ở một mỏ than. So với cô này, chuyện đang xảy ra với chú 9 và tất cả những người nói trên chỉ còn là: chuyện nhỏ.

Elite PR School

Exit mobile version