Bạn đang làm truyền thông số nhưng chưa khi nào thật sự bắt tay vào xây dựng một bản kế hoạch chi tiết trước khi bắt đầu? Điều này khiến cho doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, ngân sách để đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời khó khăn trong việc đo lường, đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền thông.
Hy vọng những hướng dẫn dưới đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho bạn trong quá trình xây dựng một kế hoạch cụ thể và hiệu quả cho chiến dịch marketing.
1. Xác định mục tiêu chiến dịch
Khi bắt đầu một chiến dịch, có hai vấn đề cần xác định là mục đích và mục tiêu:
Mục đích triển khai chiến dịch là gì? Mục đích là điều cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới, thông thường mỗi chiến dịch chỉ có một mục đích lớn. Mục đích có thể xoay quanh thương hiệu, khách hàng hay kinh doanh. Mục đích hướng đến thương hiệu có thể là tăng độ nhận diện và độ phủ của thương hiệu. Mục đích hướng đến khách hàng có thể là thay đổi hành vi của khách hàng và chuyển đổi họ thành khách hàng trung thành…
Tương ứng với mục đích, cần xác định các mục tiêu cụ thể. Mục tiêu có thể đo lường chi tiết thông qua số liệu. Ví dụ, mục đích là tăng doanh số bán hàng, mục tiêu là tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate – CR) tăng 3%, doanh số giai đoạn 2 của chiến dịch tăng 5%. Việc xác định mục tiêu sẽ phụ thuộc vào các chỉ số kinh doanh đã có hoặc các chỉ số thu được từ chiến dịch marketing trước, ngân sách cho chiến dịch và thực tế thị trường ở thời điểm lập kế hoạch.
2. Xác định đối tượng mục tiêu
Mỗi chiến dịch đều hướng đến nhóm công chúng mục tiêu cụ thể, việc xác định đối tượng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược và phương hướng sắp tới của công ty và mục tiêu chiến dịch đã đề ra từ trước. Ví dụ, nếu mục đích là tăng doanh số, hãy tập trung thu hút tệp khách hàng mới hoàn toàn với thương hiệu hoặc tập khách hàng trung thành. Sau khi xác định được nhóm đối tượng mục tiêu, bạn cần mô tả lại chân dung của nhóm đối tượng này một cách cụ thể, chi tiết dựa trên các đặc điểm nhân khẩu học, độ tuổi, giới tính, nơi ở, sở thích, thói quen và hành vi tiêu dùng,…
Với đối tượng mục tiêu, bạn cần xác định nhóm càng nhỏ càng tốt. Bạn không thể nhắm đến nhóm đối tượng từ 18 – 40 tuổi, tệp khách hàng như vậy là quá rộng vì thói quen tiêu dùng của họ khác nhau (do sự thay đổi về tài chính). Thay vào đó, bạn có thể nhóm đối tượng nhỏ hơn ví dụ tệp trẻ từ 18-30 tuổi và tệp khách hàng cao cấp trung niên từ 30-50 tuổi.
3. Xác định CJM, CX hiện tại của đối tượng mục tiêu
Bước tiếp theo cần làm là mô tả được diễn biến tâm lý, hành vi và hành trình mua hàng (Customer Journey Map – CJM) của nhóm đối tượng mục tiêu ở thời điểm hiện tại. Xác định các điểm tiếp xúc giữa đối tượng mục tiêu với hàng hóa, ngành hàng và thương hiệu. Tại các điểm tiếp xúc đó, trải nghiệm của khách hàng (Customer Experience – CX) như thế nào? Đâu là trải nghiệm cần được cải thiện?
4. Xây dựng Marketing Funnel (Phễu)
Sau khi đã mô tả hành trình và trải nghiệm của khách hàng ở thời điểm hiện tại, bạn cần xác định các nỗi đau (pain point) của khách hàng. Những câu hỏi bạn nên đặt ra là cần làm gì để khắc phục “nỗi đau” đó và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, sau đó lên danh sách các hoạt động triển khai dự kiến, cân nhắc cách thức các hoạt động này tác động đến khách hàng tại mỗi điểm tiếp xúc; kết quả bạn mong muốn của mỗi hoạt động, và để đạt được điều đó, hành trình khách hàng cần phải thay đổi như thế nào? Sau đó, sắp xếp mọi thứ một cách logic trên hành trình khách mới (Customer Journey Map – CJM) theo Marketing Funnel (Phễu). Điểm mấu chốt của bất cứ chiến dịch nào chính là chất liệu truyền thông tốt và các kênh lan truyền. Việc mô tả các hoạt động cụ thể, chi tiết giúp bạn chọn được kênh lan truyền hiệu quả và nội dung truyền thông tốt. Đồng thời, đảm bảo được tính mạch lạc và sự phối hợp “ăn ý” giữa các bộ phận cũng như giúp bạn kiểm soát chiến dịch để mang lại hiệu quả tốt nhất.
*Bài viết tham khảo nội dung cuốn: “Conversion Hacking Gia tăng tỷ lệ chốt đơn hàng” – Bình Nguyễn – Founder/CEO Ladipage & Việt Anh Nori – Founder ECOMME do NXB Dân trí phát hành 02/2020.
#Elite_PR_School