Site icon Elite PR School

[EPS_COVID_TALK] 10 LỜI KHUYÊN CHO TRUYỀN THÔNG DOANH NGHIỆP THỜI COVID-19

Theo Nielsen Vietnam, COVID-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể đến hành vi chung của người Việt Nam. Cụ thể, 47% người Việt Nam đã thay đổi thói quen ăn uống trong khi 60% trong số đó đã thay đổi các hoạt động giải trí/vui chơi. 40% người Việt Nam nói rằng họ đã dành nhiều thời gian hơn để xem TV và 35% sử dụng thời gian để xem các nội dung trực tuyến.

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến: Truyền thông doanh nghiệp thời COVID-19, Mr. Lê Quốc Vinh – nhà đồng sáng lập Elite PR School, đã nhận định rằng các doanh nghiệp cần chủ động, nhạy bén để nắm bắt được những nhu cầu mới của xã hội, qua đó tìm cách đáp ứng các nhu cầu đó. Ngoài những nhu cầu cơ bản như nhu cầu thực phẩm, nhu cầu sức khỏe, người dân cũng mong muốn được đáp ứng các nhu cầu kết nối, nhu cầu học tập, nhu cầu giải trí và nhu cầu gắn kết gia đình trong thời gian gần đây.


Trong giai đoạn hiện nay, nếu doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì các sản phẩm, dịch vụ cũ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nghĩ tới việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo ra những giải pháp mới dựa trên những nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, truyền thông thương hiệu luôn cần được song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.

Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp tạo lập được một chiến lược truyền thông hiệu quả, không gây ra phản ứng ngược từ khách hàng trong giai đoạn khủng hoảng này? Dưới đây là 10 lời khuyên dành cho doanh nghiệp.

1.Hiểu rõ vai trò của mình

Để biết truyền thông như thế nào, ta phải hiểu rõ vai trò của mình. Thương hiệu nên thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thời điểm bây giờ, song không cần thiết tập trung tất cả nguồn lực truyền thông vào cuộc khủng hoảng, tránh bị sa lầy vào cuộc trò chuyện mà không tạo ra giá trị. Hãy tập trung vào việc duy trì hoạt động kinh doanh và tạo ra những sản phẩm mới của doanh nghiệp.

2. Lắng nghe

Doanh nghiệp hãy biết cách lắng nghe và sở hữu các công cụ social listening để lắng nghe khách hàng đang nói gì, nghĩ gì về thương hiệu. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những phản ứng nhanh chóng và kịp thời trước phản hồi của công chúng. Phản ứng nhanh với dư luận xã hội là yếu tố sống còn trong giai đoạn khủng hoảng này.

3. Cảm xúc thực từ cá nhân

Ngay cả trong điều kiện thông thường, Elite PR School luôn đề cao việc xây dựng doanh nghiệp và truyền thông theo hướng nhân văn. Đặc biệt hơn, trong mùa dịch này, người ta càng mong muốn cảm nhận được cảm xúc chân thành, nhân văn của mỗi thương hiệu trong các hoạt động truyền thông. Hãy kết nối với khách hàng từ những cảm xúc cá nhân để giao tiếp một cách thật nhân văn. Ngoài ra, cũng cho thấy những suy nghĩ từ con người thật trong thương hiệu của bạn, thẳng thắn thừa nhận những tổn thương và đề nghị giúp đỡ nếu cần.

4. Luôn luôn sẵn sàng

Hãy truyền thông cho khách hàng thấy rằng doanh nghiệp của bạn luôn sẵn sàng tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu của họ thông qua việc tạo điều kiện giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và trao đổi với doanh nghiệp qua các kênh website, fanpage, hotline…

5. Gạt bỏ những khác biệt

Cần phải gạt bỏ những khác biệt đối với đối thủ cạnh tranh. Trước “thế chiến” COVID-19, các doanh nghiệp cùng ngành nghề càng cần phải cùng hành động, cộng hưởng sức mạnh để và xây dựng thị  trường chung. Và đừng ngại học hỏi đối thủ nếu cần thiết. Chỉ có như vậy thì các doanh nghiệp mới cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

6. Đừng cơ hội

Đừng thừa nước đục thả câu, lợi dụng tình huống khủng hoảng để trục lợi cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bị xã hội lên án vì điều này. Muốn trở thành một “good corporate citizen” thì doanh nghiệp cần phải ý thức và đặt trách nhiệm với xã hội lên trên lợi ích cá nhân.

7. Rõ ràng, minh bạch

Trong khủng hoảng, thông tin mập mờ là tự sát. Chính vì vậy, doanh nghiệp hãy cố gắng đưa ra các thông điệp rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và chuẩn xác. Ngôn ngữ sử dụng phải thẳng thắn để người đọc không hiểu sai những thông điệp truyền thông của doanh nghiệp. 

8. Lạc quan, vui vẻ

Hãy nhớ rằng, Covid-19 đã đủ gây lo lắng rồi. Công chúng cần nhìn thấy sự vui vẻ và nụ cười để khích lệ cuộc sống. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên lựa chọn “tone giọng” lạc quan, vui vẻ cho các thông điệp truyền thông trong giai đoạn này. Điều đó góp phần tiếp thêm sức mạnh cho xã hội và mang lại hình ảnh tích cực của doanh nghiệp tới cộng đồng.

9. Mang đến lợi ích thiết thực

Hãy truyền thông về những lợi ích thực sự mà thương hiệu có thể mang lại cho công chúng. Dù là giảm giá, hay giảm bớt các chi phí liên quan, hãy hỗ trợ để khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ của thương hiệu dễ dàng hơn. Nếu doanh nghiệp thể hiện được sự thực tâm và chân thành trong hành động, khách hàng sẽ được thuyết phục.

10. Go online

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các doanh nghiệp nên tận dụng nền tảng số và digital để tiếp cận đến các đối tượng truyền thông của mình. Đây có thể là lựa chọn tối ưu trong thời gian này, khi toàn xã hội đang chuyển phần lớn công việc lên online và dành nhiều thời gian mỗi ngày cho các hoạt động trực tuyến. Tuy nhiên, đây không phải kênh truyền thông duy nhất, doanh nghiệp cần cân nhắc và lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Nên nhớ, đại dịch Covid-19 không phải khủng hoảng duy nhất mà các doanh nghiệp có thể gặp phải trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Chính vì vậy, người làm truyền thông cần luôn có tâm thế chủ động và sẵn sàng thích nghi với mọi tình huống bất lợi, với một cái tâm sáng và ứng xử chân thành.

Đăng ký xem và tải slide Hội thảo trực tuyến: “Truyền thông doanh nghiệp thời COVID-19 tại đây.

Bổ sung kiến thức về truyền thông, thương hiệu với bộ công cụ bản quyền ngay hôm nay cùng những người thực hành nghề chuyên nghiệp: khóa học truyền thông thương hiệu Nghệ thuật PR – Bộ công cụ MECGRIS. Thông tin chi tiết xem tại đây.

Exit mobile version