Sau Dolce Gabbana đến Burger King “gặp hạn” vì đôi đũa – Sai lầm thương hiệu dưới góc nhìn văn hoá

Giới truyền thông khẳng định quảng cáo dùng đũa ăn hamburger của Burger King là một sai lầm của thương hiệu này dưới góc nhìn liên văn hóa.

Tuần trước, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King đã tung một quảng cáo miêu tả việc sử dụng đũa để ăn bánh mỳ kẹp thịt. Những người mẫu phương Tây phải rất vất vả để dùng đôi đũa ăn chiếc burger. Tiêu đề cho quảng cáo là “kiểu Việt Nam” với một đôi đũa quá khổ.

Ngay sau khi xuất hiện, đoạn video quảng cáo này đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Có nhiều ý kiến cho rằng Burger King đang có ý phân biệt chủng tộc và miệt thị cách dùng đũa của một số quốc gia châu Á cụ thể là Việt Nam. Đặc biệt làn sóng phản đối nổi lên mạnh mẽ nhất là trên Facebook ở Việt Nam và Weibo ở Trung Quốc.

Phóng viên Thời đại Plus đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia truyền thông ThS. Nguyễn Đình Thành – đồng sáng lập Elite PR School.

ThS. Thành nói: “Sau khi x quảng cáo của Burger King, trên góc độ một người tiêu dùng thông thường và là người châu Á, cá nhân tôi không thấy có sự xúc phạm nào.

Tôi nhìn quảng cáo này như một ví dụ về sự khó khăn trong khi thưởng thức ẩm thực từ một nền văn hóa khác.

Quảng cáo được cho là nhạy cảm và sai lầm khi nhìn dưới góc độ văn hóa của Burger King.

Tuy nhiên cũng có những người không chia sẻ góc nhìn này. Cá nhân tôi thấy rằng quảng cáo này không mang tính miệt thị nhưng rõ ràng những người làm marketing và truyền thông của thương hiệu này thiếu nhạy cảm.

Từ góc độ của một người làm nghề truyền thông rõ ràng đây là một sai lầm của thương hiệu này dưới góc nhìn liên văn hóa.

Mỗi nền văn hóa có những giá trị khác nhau từ đó cũng có những phong tục tập quán khác nhau. Điều này đòi hỏi những người làm làm marketing truyền thông phải có sự nhạy cảm về văn hóa.

Trong trường hợp này Burger King đã bước qua lằn ranh của sự nhạy cảm. Một hình ảnh không được giải thích rõ ràng có thể gây ra hiểu nhầm ở đối tượng công chúng mục tiêu mà đây cụ thể là những người tiêu dùng châu Á.

Một số người có thể coi rằng đây là sự thiếu tôn trọng với văn hóa Châu Á.

Người có nhạy cảm về truyền thông liên văn hóa luôn có một phản xạ kiểm tra x x quảng cáo của mình, hay rộng hơn là thông điệp của thương hiệu mình có chạm phải những yếu tố nhạy cảm, hay những cấm kỵ văn hóa hay không.

Nó có thể là những điều nhạy cảm về lịch sử, tôn giáo, chính trị, giới tính, quan niệm xã hội, yếu tố ngôn ngữ, phi ngôn ngữ….

Trong quá khứ có rất nhiều thương hiệu lớn đã phải trả giá khi chạm phải những cấm kỵ về mặt văn hóa.  Mức độ nhạy cảm của những cộng đồng khác nhau là khác nhau.

Trong mỗi cộng đồng sự nhạy cảm của mỗi người lại khác nhau tùy theo lứa tuổi, văn hóa, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, nhận thức, trải nghiệm sống.

TS. Nguyễn Đình Thành – Đồng sáng lập Elite PR School.

Ngoài việc vượt qua những lằn ranh nhạy cảm về văn hóa, quảng cáo của Burger King còn không may khi rơi vào tâm bão tẩy chay của một bộ phận cư dân mạng Việt Nam nhân sự việc của một resort mà nhân viên có ứng xử không phù hợp với khách.

Yếu tố thứ hai là sự tăng trưởng về kinh tế châu Á và quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho cho các nhà quản lý của nhiều thương hiệu quốc tế không kịp hiểu về sự khác biệt văn hóa ra giữa các thị trường khác nhau.

Sức mạnh ngày càng tăng của thị trường châu Á đã khiến cho các nhà quản lý với tư duy coi phương Tây là trung tâm của thế giới không kịp thích nghi.

Tuy nhiên, trong nguy luôn luôn có cơ, sau những tai nạn như thế này chắc chắn yếu tố văn hóa trong kinh doanh, trong truyền thông, marketing quốc tế sẽ được chú trọng hơn và chúng ta sẽ có có một thị trường quốc tế trong đó những khác biệt văn hóa được thực sự tôn trọng”.

Trước đây, D&G cũng đã vướng phải cơn bão tẩy chay tại Trung Quốc khi đụng chạm với văn hoá dùng đũa. Sau vụ việc đó, D&G đã lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, Burger King chỉ gỡ clip quảng cáo xuống và không có động thái xin lỗi.

ThS Nguyễn Đình Thành cho rằng, đây là hai vụ việc khác nhau. D&G khủng hoảng không phải do một đôi đũa mà còn vì nhà sáng lập đã dùng lời lẽ khiếm nhã để nói về đất nước tỷ dân. Đồng thời, nhà sáng lập này còn cho rằng không có họ thì thương hiệu của ông vẫn sống tốt. Chính vì vậy mới gây ra “scandal” đi vào lịch sử.

Lần này, Burger King rút lại clip và không lên tiếng xin lỗi bởi họ không xúc phạm mà đơn thuần chỉ là chạm phải sự nhạy cảm thôi. Quảng cáo của Burger King một lần nữa cho chúng ta thấy sức mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội. Nó sẽ kéo theo hệ quả không lường trước được nếu một thương hiệu hay công ty phạm sai lầm.

Một ý tưởng marketing sáng tạo sẽ rất dễ biến thành “thảm hoạ” nếu người làm truyền thông không thực sự nhạy cảm.

THAM KHẢO: CHÙM BÀI VỀ LỖI VĂN HÓA TRONG TRUYỀN THÔNG