HỌC TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ TỪ… PHIM ẢNH

Trong bộ phim Up in the Air, nhân vật chính Ryan Bingham (George Clooney) làm một cái nghề không ai muốn: corporate “downsizer” – người sa thải của các tập đoàn lớn. Anh làm cái công việc khó chịu là nói với người bị sa thải rằng họ không còn chỗ đứng trong công ty nữa. Ai cũng biết đây là điều khó nói, ai cũng biết người nghe sẽ phản ứng tiêu cực thậm chí là dữ dội như thế nào. Ryan chọn cách lật ngược vấn đề.

Ở đời, mất có khi lại là được. Phúc họa khôn lường như chuyện tái ông mất ngựa. “What’s In Your Backpack?” là câu thần chú của Ryan. Chọn hình ảnh ẩn dụ là cái ba lô trên lưng mỗi người, anh nói về ý nghĩa cuộc sống, về khát khao thầm kín của mỗi người. Ai cũng có biết bao điều muốn làm mà vì gánh nặng công việc người ta không làm được. Sống là một hành trình, hành lý của bạn càng nặng thì di chuyển càng khó khăn, nên nếu ba lô của bạn nhẹ tênh thì cuộc du hành của bạn càng trở nên dễ dàng. Nếu người bạn căng tràn niềm vui sướng được làm một điều khác thường – điều giúp bạn ra khỏi sự tẻ nhạt của cuộc sống – bạn sẽ hạnh phúc. Việc không còn làm việc ở công ty CHÍNH là một bước ngoặt thú vị trong đời bạn. Khả năng thuyết phục tài tình, cách hành xử chuyên nghiệp, lão luyện, khả năng tỏ ra thấu cảm của Ryan tốt đến mức anh ở lại business này tới hơn 10 năm và đi lại ngang dọc khắp nước Mỹ.

Bộ phim không đi sâu vào cách thuyết phục của Ryan thế nào nhưng bài học dành cho dân PR nội bộ từ đây chính là, khi cắt giảm nhân sự, người ta cần:

+ Chuẩn bị càng sớm, càng kỹ, càng tốt.
+ Nói chuyện trực tiếp với người trong cuộc
+ Tỏ ra thấu cảm với người trong cuộc
+ Chuẩn bị cho họ một package: trợ cấp thất nghiệp, khả năng tìm việc mới.

Nhưng cao hơn cả là phải vẽ nên một bầu trời – đưa ra một triển vọng với người trong cuộc rằng họ sẽ có cơ hội làm cái họ thực sự thích trong đời, rằng mọi chuyện dều có thể thay đổi, sự thay đổi đó sẽ tốt hơn nếu họ chịu mở lòng chấp nhận sự thay đổi ấy. Nói thì dễ, làm thì khó. Một trong các nhân vật trong phim đã dọa tự tử và cuối cùng người ấy cũng làm như vậy.

Không chỉ nói đến nghề, bộ phim còn cho người xem suy nghĩ về sự gắn bó và ràng buộc trong cuộc sống, tình yêu, hôn nhân. Tan hợp, hợp tan. Làm người ta nghĩ đến sự cân bằng giữa 3 yếu tố làm nên cuộc đời mỗi người: Gia đình – Bè bạn/Đồng Nghiệp – Công việc. Giữa 3 yếu tố ấy, bạn nghiêng quá về cái nào thì đời bạn cũng hỏng. PR, HR hay Marketing xét cho cùng là quan hệ giữa con người với con người. Nếu không nhìn từ góc ấy thì thất bại chỉ là vấn đề thời gian.