CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VIỆT TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

Trở thành con người Việt Nam trong hành động cũng như lời nói. Đó cũng chính là con đường xây dựng thương hiệu Việt.

Như thế nào sẽ là một thương hiệu Việt đúng nghĩa?

Khi gã khổng lồ Volvo rơi vào tay ông chủ mới Geely ở Trung Quốc, không ít người tỏ ra ngậm ngùi tiếc nuối cho thương hiệu Thuỵ Điển lâu năm. Nhưng người Thuỵ Điển thì không. Họ tin rằng những đồng vốn của nhà đầu tư sẽ vực dậy niềm tự hào của họ. Việc này sẽ tạo ra công ăn việc làm và tiếp tục đóng thuế cho đất nước Bắc Âu này.

Đầu năm nay, công ty này đã trở thành cổ đông lớn nhất của hãng xe danh tiếng Đức Daimler AG. Tỷ phú Roman Abramovich, khi mua đội bóng Chelsea thành London cũng không định mang họ sang đấu ở giải bóng đá Liên bang Nga.

Cũng chưa có ai nghĩ rằng hôm nay bánh Kinh Đô là một thương hiệu Hoa Kỳ, dù nó nằm trong tay Mondelèz International… Những thương hiệu này vẫn mang đậm dấu ấn của các quốc gia sinh ra chúng.

Nhưng cũng có những thương hiệu hoàn toàn mất bóng sau những thương vụ sáp nhập. Ví dụ như nước giải khát Tribeco, kem đánh răng Dạ Lan,… Một hiện tượng không có gì là ngạc nhiên. Ngay cả đối với các thương hiệu từng nổi tiếng thế giới, như hãng dầu Amoco của Mỹ đã bị BP thôn tính.

Không ít người cắc cớ bình luận rằng những sản phẩm nổi bật trong năm qua như ô tô VinFast và điện thoại di động Vsmart chưa phải là sản phẩm Việt thực sự. Chúng mới chỉ được làm ra bằng tiền của người Việt mà thôi. Đáp lại, trong một bài báo mới đây, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup, nói: “Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng tất tần tật cái gì cũng phải do người Việt làm thì mới là sản phẩm của người Việt”.

Sự kiện ra mắt Vinfast

Vậy, điều gì làm nên những đặc trưng của một thương hiệu mang dấu ấn của quốc gia nơi nó sinh ra? Khi mà trong một môi trường, khái niệm sở hữu không đồng nhất với thuộc tính địa phương của thương hiệu? Như thế nào sẽ là một thương hiệu Việt đúng nghĩa?

Trong cuốn The End of Marketing as We Know It, Sergio Zyman viết rằng: “Thương hiệu là một trải nghiệm trọn vẹn của khách hàng với một sản phẩm hoặc một công ty”.

Định nghĩa này khác hoàn toàn với các khái niệm kinh điển nhấn mạnh vào các đặc điểm lý tính và cảm xúc thông thường của thương hiệu. Nó mở ra cho tôi một ý niệm mới – chính cái trải nghiệm thuần khiết mang tính văn hoá dân tộc làm cho thương hiệu Việt khác với những thương hiệu khác, cho dù nó được sinh ra ở đâu.

Tính năng sử dụng của một sản phẩm không nói lên được đặc tính dân tộc của thương hiệu.

Không phải giá trị sử dụng của một chai bia Saigon, mà cái cách nó xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định nó có phải là một thương hiệu Việt Nam hay không. Bởi thế, bia Saigon sẽ vẫn là thương hiệu Việt, nếu nó gắn liền với những câu chuyện lịch sử hình thành hơn 140 năm, từ cái xưởng nấu bia nho nhỏ của ông Victor Larue, một người Pháp tại Đông Dương từ cuối thế kỷ 19, gợi nhớ hình ảnh đường phố Saigon, với những quán nhậu tưng bừng trong buổi chiều nhàn nhạt nắng.

Mỗi lần ghé Berlin, tôi thường được bạn bè đưa đến quán phở Thành Koch. Cho dù xa quê đã nhiều chục năm và cái nhà hàng này được lập nên ở một đất nước xa lạ nhưng không vì thế mà nó thiếu vắng bất cứ những đặc trưng nào để có thể phủ nhận rằng đó là một thương hiệu Việt đúng nghĩa. Chủ nhân quán ăn này, anh Trần Đình Thành, vốn quê Nam Định, nên hương vị bát phở nằm tận trung tâm châu Âu thấm đẫm cái hồn của vùng đất Thành Nam. Mặc cho bên ngoài gió rít lạnh thấu xương, thì bước qua cánh cửa, cái mùi nước phở bò ngào ngạt, beo béo vẫn làm ấm lòng những người Việt xa xứ.

Có một lần, người viết bài này được ngồi đàm đạo với Phan Minh Thông, ông chủ Phúc Sinh Group, người dựng lên thương hiệu K Coffee thuần tuý tự nhiên nguyên chất, được nghe anh kể về khát vọng chinh phục thị trường nội địa bằng việc đưa đến cho người Việt trải nghiệm của loại cà phê được chế biến theo quy chuẩn đẳng cấp quốc tế. Dù thương hiệu chẳng mang một cái tên địa danh thuần Việt nào, nhưng câu chuyện về từng hạt cà phê và nỗi đam mê hồi sinh hương vị cà phê nguyên chất sẽ định hình vị thế của nó như một thương hiệu bản địa chính thống.

Trở lại câu chuyện của VinFast. Những chiếc xe bốn bánh và hai bánh mà họ đang cho xuất xưởng lứa đầu chắc chắn được hình thành từ những công nghệ và thậm chí máy móc, phụ tùng cũng đều từ nước ngoài. Nhưng cái khát vọng học hỏi, chinh phục và làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất đó để đưa về Việt Nam, đặc biệt câu chuyện truyền cảm hứng như một ngọn lửa đang được nhen nhóm về giấc mơ tạo dựng vị thế ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên bản đồ thế giới sẽ là nền tảng xây dựng nên một thương hiệu Việt hoàn chỉnh.

Thế giới hôm nay đã phẳng.

Biên giới quốc gia không còn là ranh giới thị trường. Định nghĩa về một thương hiệu Việt không còn đóng khung ở nội lực và tài nguyên bản địa, hệ thống sản xuất tự thân. Chúng ta đã không còn ngạc nhiên khi người Việt khởi nghiệp ở nước ngoài, hay tổ chức dây chuyền sản xuất ở các quốc gia khác. Nhưng chắc chắn, nếu các sản phẩm làm ra đang chinh phục thị trường quốc tế bằng các câu chuyện văn hoá, con người Việt Nam, thì đó sẽ vẫn là những thương hiệu Việt.

Ngày hôm nay, xây dựng thương hiệu bằng kết nối con người với nhau đang trở thành xu thế. Truyền thông thương hiệu là đối thoại giữa doanh nghiệp, sản phẩm với công chúng, với khách hàng. Một thương hiệu được coi là của Việt Nam không phụ thuộc vào tỷ lệ vật tư nội địa trong đó. Nó không phụ thuộc nhiều vào ai là người làm ra sản phẩm. Nó nằm ở khả năng thổi hồn vào thương hiệu những thói quen, văn hoá. Thậm chí, là cả những đặc điểm chưa toàn vẹn như một con người Việt Nam.

Trong mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng, theo John Marshall và Simon Glynn (Lippincott.com), sự hợp tác giữa khách hàng và doanh nghiệp là chìa khóa để tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cần trở thành con người Việt Nam trong hành động cũng như lời nói. Một doanh nghiệp không còn chỉ quan tâm đến việc sản xuất và bán sản phẩm. Họ phải tham gia sâu sắc và cởi mở với khách hàng nhằm tạo ra các giá trị cho nhau. Đó cũng chính là con đường tạo dựng và phát triển một thương hiệu Việt.

Lê Quốc Vinh
Chủ tịch Le Group of Companies, Đồng sáng lập Elite PR School